Bí ẩn Lăng Sọ Huế và số phận bi thảm của thân phụ vị vua đầu tiên triều Nguyễn

Khi còn sống, vương tử Nguyễn Phúc Luân (thân phụ vua Gia Long) được di chiếu sẽ lên ngôi chúa Nguyễn nhưng bị Trương Phúc Loan hãm hại, khi chết đi, mộ của ông cũng bị quân Tây Sơn đào lấy xương vứt xuống sông Hương.

Sống bị hãm hại, chết bị quật mồ

Theo các tài liệu lịch sử, vương tử Nguyễn Phúc Luân sinh ngày 11/6/1733 và mất ngày 24/10/1765. Ông là con thứ 2 của chúa Nguyễn Phúc Khoát và bà Trương Thị Dung. Trên ông còn có người anh trai tên Nguyễn Phúc Chương (mất năm 1763).

 Lăng Cơ Thánh, nơi an nghỉ cuối cùng của vương tử Nguyễn Phúc Luân.

Bức bình phong chạm nổi hình rồng thể hiện sự uy nghiêm của hoàng gia còn khá nguyên vẹn được đặt trước vị trí chôn cất hộp sọ của vương tử Nguyễn Phúc Luân.

Thực hiện ý đồ hoán đổi ngôi chúa, Trương Phúc Loan và tay sai bắt giam Nguyễn Phúc Luân, giết chết hai thầy học của ông là Nội hữu Cai cơ Trương Văn Hạnh và Thị giảng Lê Cao Kỷ và làm giả chiếu chỉ đưa công tử thứ mười sáu là Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi Chúa xưng hiệu là Định Vương.

Sau khi bị Trương Phúc Loan hãm hại, vương tử Nguyễn Phúc Luân buồn và uất ức nên lâm bệnh được cho về nhà và mất vào ngày 24/10/1765 (ngày 10/9 năm Ất Dậu).

Theo tài liệu lịch sử triều Nguyễn, vương tử Nguyễn Phúc Luân chết đi để lại 10 người con (6 nam, 4 nữ). Sau này, ngoài một người con chết lúc nhỏ, các người con còn lại của Nguyễn Phúc Luân đều bị quân Tây Sơn giết chết và chỉ còn hoàng nam cuối cùng là Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long sau này) còn sống.

Khi chết, lăng mộ vương tử Nguyễn Phúc Luân được đặt tại xã Cư Chính huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế (nay là thị xã Hương Thuỷ).

Năm 1790, tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Ngu cho quân quật mồ, bới mộ và bốc xương cốt của vương tử Nguyễn Phúc Luân ném xuống khúc sông Hương đối diện lăng. Đúng lúc đó, tướng Ngu hay tin tư dinh của mình bị bốc cháy nên bỏ dở việc kéo quân về dập lửa.

Nhân cơ hội ấy, một ngư dân làng Cư Chánh vốn có tình cảm với vị chúa bạc phận cùng các con nhảy xuống mò mẫm dưới sông sâu và vớt được hài cốt của vị chúa, chôn cất cẩn trọng.

Quanh chuyện Chúa Nguyễn Phúc Luân bị quật mồ, dân gian ở Thừa Thiên – Huế còn lưu truyền truyền thuyết khác nhau. Trong đó, theo ghi chép năm 1923 của ông Léopold Cadière (Hội truyền giáo hải ngoại Paris) có đoạn: “Xương cốt của chúa bị nhà Tây Sơn ném xuống sông, ngay trước mặt lăng hiện nay. Vào một đêm nọ, một ngư dân tên Nguyễn Ngọc Huyên khi kéo chiếc vó của mình lên thì thấy trong vó có một sọ người. Người ngư dân ném cái xương sọ đi xa, lần thứ 2 xương sọ lại xuất hiện trước chiếc vó của mình. Người ngư dân run sợ ném chiếc sọ đi và khấn thầm: ‘Nếu đây là chiếc sọ của ngài nào có quyền lực linh thiêng thì xin trở lại trong vó của tôi’. Và lần thứ 3, chiếc xương sọ lại xuất hiện”.

Nguồn gốc Lăng Sọ xứ Huế

Năm 1802, Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long) lên ngôi hoàng đế, nghe tin có người chôn cất hộp sọ của cha mình, vua liền cho người khai quật rồi cắt máu ở tay nhỏ vào sọ thì thấy sọ hút hết máu.

 Lăng Cơ Thánh chỉ chôn cất hộp sọ của Nguyễn Phúc Luân nên dân gian thường gọi bằng cái tên Lăng Sọ.

 Trải qua nhiều biến cố và bị người đời lãng quên nên Lăng Sọ hiện xuống cấp và hoang vắng.

Chính vì lẽ đó, Nguyễn Ánh tin tưởng đó là di cốt của thân phụ mình nên cho xây dựng lăng Cơ Thánh tại chỗ huyệt mộ cũ ở làng Cư Chánh (xã Thuỷ Bằng, thị xã Hương Thuỷ) để cải táng sọ của cha. Cũng từ đó, dân gian ở Huế thường gọi lăng mộ của thân phụ vua Gia Long là Lăng Sọ hơn là cái tên Cơ Thánh.

Hiện tại lăng mộ của thân phụ vua Gia Long nằm dựa lưng vào một ngọn đồi trước mặt là sông Hương cách trung tâm TP Huế chừng 10km.

Lăng Sọ có kiến trúc gồm ba hình gần vuông, mỗi hình có diện tích khoảng 30m2, xếp theo thứ tự từ bờ sông Hương vào đến triền núi Cư Chánh. Đầu tiên là sân cỏ có bức tường thành dài khoảng 10m nằm sát lề đường chính. Tiếp đến là hai bái đình cao hơn sân cỏ 7 bậc cấp.

Khu vực cuối cùng có thành bao bọc xung quanh: bức thành phía trước có cửa hình vòm với hai cánh cửa bằng đồng vững chắc; đi vào là một bức bình phong được trạm trổ hình rồng uy nghiêm; chính giữa sân là mộ táng hộp sọ của ông Nguyễn Phúc Luân với 3 bậc cấp nằm dưới bóng một bức bình phong và có áng hương thờ cúng.

Trải qua năm tháng, Lăng Sọ chìm dần vào quên lãng do quy mô, kiến trúc không nổi tiếng bằng lăng tẩm của các vị vua Nguyễn. Chính vì lẽ đó, số phận lăng mộ của vương tử Nguyễn Phúc Luân cũng hẩm hiu chẳng khác gì cuộc đời vị vương tử thứ 2 của chúa Nguyễn Phúc Khoát.

Tấm bảng bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích Lăng Cơ Thánh – nơi duy nhất đề thông tin về di tích bị che khuất bởi các lùm cây.

Lăng Sọ giờ đây đìu hiu và hoang vắng. Có lẽ cũng khá lâu rồi không có nhiều người vào khu lăng mộ. Chiếc cửa đồng trước cửa lăng khoá chặt và chỉ có thể nhìn vào bên trong qua một lỗ thủng nhỏ. Trên cánh cửa, những kẻ vô ý thức thoải mái vẽ vời thể hiện sự thiếu tôn trọng với tiền nhân.

Tấm bảng bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích lăng Cơ Thánh – Lăng Sọ bị những lùm cây che kín khiến du khách và người đi đường nhìn vào cũng khó có thể nhận diện được đây là lăng mộ của ai và xây dựng khi nào.


Posted

in

by

Tags: