V-League

08:28 06/11/2015
Lãnh đạo HAGL khẳng định, đội bóng có thể sống khỏe với kinh phí 15 tỷ đồng mỗi mùa giải, thậm chí nếu biết cách chi tiêu còn có lãi vài tỷ đồng. Trong khi VPF quy định, các đội bóng dự V-League phải đảm bảo nguồn thu 35 tỷ đồng mới cho đăng ký tham dự giải. Vậy, thực chất bao nhiều mới đủ?
Chẳng cần phải đợi đến khi bầu Đức đưa ra con số 15 tỷ đồng chi phí dành cho HAGL ở mùa bóng 2015 thì nhiều người mới so sánh và đặt câu hỏi, liệu VPF có tính sai khi buộc các CLB phải đảm bảo kinh phí 35 tỷ đồng mới cho đăng ký tham dự giải? Trong khi lãnh đạo của một số CLB phản ứng ra mặt vì cho rằng phát biểu của bầu Đức đã vô tình gây khó dễ cho các đội bóng đang phải sống nhờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ các địa phương thì lại có không ít người lại cho rằng, ông chủ HAGL không nói đùa và thực tế, HAGL trở thành CLB đầu tiên ở V-League làm ăn có lãi.


Đúng là chuyện " cơm áo gạo tiền" không thể nói chơi được. Theo cách tính của Giám đốc điều hành CLB HAGL, mỗi năm CLB thu được từ nhà tài trợ 15 tỷ đồng, thu từ tiền bán vé vào sân khoảng 5 tỷ, tiền cho thuê biển quảng cáo cỡ 2 tỷ và cho thuê mặt bằng kinh doanh khoảng 1 tỷ. Ngoài ra, CLB còn tổ chức các hoạt động kinh doanh khác như bán trang phục, quần áo thi đấu, tự sản xuất nước khoáng phục vụ VĐV và bán cho tập đoàn ... Khác với các CLB ở V-League, HAGL cũng không tốn quá nhiều tiền để trả lương cho cầu thủ vì hầu hết đều là cầu thủ trẻ do chính CLB đào tạo, bầu Đức cũng không có thói quen treo thưởng từng trận cho đội bóng hay đổ tiền ra theo đuổi các hợp đồng chuyển nhượng bất chấp giá trị thực tế.
 
Theo tính toán của các chuyên gia, trung bình các CLB tham dự V-League mùa tới phải chi ra không dưới 30 tỷ đồng để nuôi đội bóng. Những CLB có tiềm lực tài chính như B. Bình Dương, SHB Đà Nẵng, Hà Nội T&T... thậm chí còn bỏ ra nhiều hơn thế để bổ sung lực lượng, "làm mới" lại đội hình sau mỗi mùa giải. Trong số 14 đội bóng đang chơi ở V-League hiện tại, chỉ có một vài CLB tự chủ được về tài chính, số còn lại ít nhiều đều phải dựa vào nguồn kinh phí bao cấp từ các địa phương. Chuyên nghiệp chỉ mang tính hình thức khi CLB vẫn tồn tại rất bấp bênh, chủ yếu xài tiền chứ chưa tự làm ra tiền. Số tiền tài trợ mà các CLB may mắn được doanh nghiệp đỡ đầu cũng chỉ trên dưới chục tỷ đồng/năm. Nguồn thu từ việc quảng cáo, doanh thu bán vé các trận đấu trên sân nhà... chẳng đáng là bao trong khi bản quyền truyền hình vốn được coi là nguồn thu lớn, nhưng từ khi được giao vào tay VPF cũng trở nên bèo bọt.

Chuyển nhượng cầu thủ cũng là một nguồn thu đáng kể với các CLB có hệ thống đào tạo tốt, nhưng trong số 12 CLB hiện nay, ngoài HAGL, SLNA hay HN T&T, SHB Đà Nẵng... thì đa số các CLB còn lại chủ yếu phải bỏ tiền ra mua chứ hiếm khi có được nguồn thu từ chuyển nhượng.

Không phải bỗng dưng, Hải Phòng, Quảng Ninh, QNK Quảng Nam và nhiều CLB khác lại muốn giao đội bóng về cho địa phương quản lý, bởi theo tính toán của các ông bầu, để duy trì được đội bóng chơi ở V-League phải tốn ít nhất vài chục tỷ đồng mỗi mùa giải. Ngay cả VPF cũng từng khuyên các đội bóng tính phương án xin trợ giúp từ các địa phương, dù ai cũng biết tiền ngân sách không phải dùng để "trợ cấp" cho các CLB bóng đá chuyên nghiệp. Vậy nên, vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở chính các đội bóng, bởi tiền nhiều hay ít còn tùy thuộc vào cách chi tiêu của các ông chủ và chỉ khi nào các đội bóng học được cách tiêu tiền thì V-League mới hết cảnh chạy xin trợ cấp.

 ĐAN PHƯỢNG

Để lại một bình luận

Thông tin phản hồi (1)

Các cầu thủ cùng Lãnh đạo các CLB BĐVN phải thay đổi Mạnh về tư duy vận động thì mới phát triển được: Cầu thủ thi đấu sòng phẳng,đá đẹp để cuốn hút đông đảo người hâm mộ đến cổ vũ. Các ông Bầu BĐ phải dấn thân tìm mọi cách để tăng nguồn thu cho CLB, không thể trông chờ từ "trên trời" rơi xuống .Mang tiến là giải chuyên nghiệp mà người hâm mộ cứ thấy các CLB kêu ca không có tiền ? hay ít tiền ? Thế mà vẫn cứ tăng lương chưa hợp lý cho các cầu thủ ?

Gửi bởi: phamhaiduong | Vào lúc: 06/11/2015

Bài mới cùng mục

Thông tin Thể thao Việt Nam
- Trụ sở: P601, CT4 chung cư Booyoungvina, Mỗ Lao, Hà Đông

ttvn

Top