V-League

09:10 28/10/2015

Mùa trước, Đồng Tháp làm công văn xin bỏ Vleague về đá phong tràvì không đủ tiền tham dự khiến VPF phải ra tay, tìm giúp nhà tài trợ để đảm bảo đủ 14 đội như quy hoạch. Năm nay, tới lượt đội hạng Nhất Cà Mau xin nghỉ chơi cũng với lý do thiếu tiền buộc VPF phải tính tới việc "đẩy" Bình Định lên chơi ở giải hạng Nhất cho đủ 10 đội, trong khi Đồng Nai sau khi xuống hạng cũng bóng gió nói đếnchuyện rút lui...

 
Nghịch lý là ở chỗ, mới mùa giải năm ngoái, đội bóng đất Võ cũng từng tự nguyện xin xuống chơi ở giải hạng Nhì vì không thể gom đủ 15 tỷ đồng để đăng ký tham dự giải theo quy định. Sau một mùa giải "vui chơi" ở giải phong trào, Bình Định lại bất ngờ được VPF "đặc cách" cho tham dự giải hạng Nhất sau khi Cà Mau làm công văn xin rút.

 

Chung quy cũng bởi chuyện tiền nong. Sở dĩ, đội bóng đất Mũi dù mới nhận quyền thăng hạng đành phải ngậm ngùi từ bỏ cuộc chơi vì không lo nổi số tiền 20 tỷ đồng để đăng ký tham dự giải. Ngay cả Bình Định, dù được VPF trao cơ hội đặc cách, nhưng lãnh đạo đội bóng cũng chưa biết có kịp xoay đủ kinh phí cho đội bóng lên thi đấu ở giải hạng Nhất.Trong khi đó, lãnh đạo đội Đồng Nai cũng chưa dứt khoát có tiếp tục duy trì đội bóng sau khi phải nhận vé xuống hạng.

Hay theo quy định của VPF, mùa tới giải hạng Nhất sẽ có 10 đội tham dư sau nhiều mùa giải, sân chơi này chỉ quanh quẩn ở con số 8 đội. Việc tăng số lượng các đội bóng tham dự dù đã nằm trong quy hoạch, nhưng thực tế nhiều đội bóng vì không có đủ tiềm lực nên chỉ yên phận ở giải phong trào. VPF biết rõ việc "nâng cấp" một đội bóng ở giải phong trào lên chơi ở giải hạng Nhất có thể sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, nhưng vì sợ "vỡ" quy hoạch nên vẫn phải "đốt cháy giai đoạn" bằng việc xét đặc cách.

Trong quá khứ, VPF cũng đã không ít lần xét đặc cách cho các đội bóng ở hạng dưới lên dự V-League để rồi sau đó mới áp đặt các tiêu chuẩn và buộc các CLB phải chạy theo.

 Rõ ràng cách làm như vậy là ngược với quy trình khi các đội bóng không giành được quyền thăng hạng qua con đường chính thức bằng việc thi đấu vẫn có thể "đi tắt, đón đầu" nhờ suất đặc cách. Bởi vậy không ngạc nhiên khi những đội bóng được đặc cách do không có sự chuẩn bị đầy đủ nên khó trụ nổi ở VLeague. Mùa bóng 2013, Đồng Nai được cách lên chơi ở V-League và chỉ trụ được 2 mùa rồi phải nhận vé xuống hạng ở V-League 2015.

Trường hợp K. Kiên Giang, dù được đặc cách cho trụ hạng ở mùa bóng 2013, nhưng ngay sau đó đội bóng này lâm vào tình trạng phá sản và đành phải giải thể. Tuổi thọ của An Giang còn ngắn hơn khi chỉ trụ lại được đúng 1 mùa ở V-League rồi cũng lâm vào cảnh "tan đàn xẻ nghé".

Câu hỏi đặt ra và VPF có cần chấp nhận rủi ro khi cứ chạy theo số lượng để đảm bảo quy hoạch mà không tính tới chất lượng của giải đấu sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Giải hạng Nhất vốn đã teo tóp và thiếu sức sống giờ đây lại đang đứng trước nguy cơ vỡ quy hoạch khi VPF không thể kiểm soát được tình hình.

Chuyện các đội bóng bỏ giải và VPF phải xét đặc cách được ví như cái vòng luẩn quẩn mà nếu không thoát ra được, bóng đá Việt Nam khó phát triển lành mạnh.

ĐAN PHƯỢNG

Để lại một bình luận

Thông tin phản hồi (0)

Bài mới cùng mục

Thông tin Thể thao Việt Nam
- Trụ sở: P601, CT4 chung cư Booyoungvina, Mỗ Lao, Hà Đông

ttvn

Top