Nhân Kỉ niệm 70 thành lập QĐND Việt Nam: Ai là người đầu tiên không còn quan trọng nữa!

Kỉ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, công chúng cả nước hướng về hình ảnh những người lính, những chiến sĩ cả trong thời bình và thời chiến. Công chúng, hay gọi hai tiếng gần gụi hơn là nhân dân, là đồng bào chính là nguồn cội sức mạnh của Quân đội nhân Việt Nam.

Nhân kỉ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 7 thập kỉ trôi qua với biết bao thăng trầm, biết bao khó khăn nhưng hào hùng, chói lọi, chúng ta nói về những người lính và cội nguồn sức mạnh mà họ có để luôn hoàn thành nhiệm vụ, luôn là mũi tiên phong bách chiến, bách thắng.

Vừa mới đây thôi, sự kiện 12 công nhân được giải cứu thành công từ vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo bởi các chiến sĩ công binh Lữ đoàn 293 và Tiểu đoàn 93 Binh chủng công binh. Thời khắc 16h38 phút ngày 19/12 trở thành thời khắc lịch sử của cả nước. Tuy nhiên, sau cuộc giải cứu thành công, nhân dân cả nước lại phải nghe những luồng thông tin về vấn đề “Ai là người đầu tiên?”.

Tóm tắt rằng, nhiều người thắc mắc liệu ai mới là người đầu tiên: Binh nhất Hoàng Văn Thảo, chiến sỹ Đại đội 3, Tiểu đoàn 32 lữ đoàn Công binh 293 – người đã được báo giới phỏng vấn “nóng” ngay tại hiện trường, người được cho là người đầu tiên tìm thấy khe hở, cấp bách giải cứu nạn nhân, là người “đầu tiên” để “kết thúc” hay Trung úy Nguyễn Văn Tiền, Phó đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 32, Lữ đoàn Công binh 293 như bài báo của Báo Quân đội nhân dân viết mới là người “đầu tiên”?

Câu hỏi này là thắc mắc của rất nhiều người, trong đó, nhiều cá nhân tỏ ra bức xúc, nhiều cá nhân không hiểu “ngọn ngành”.

Có người còn nhắc lại sự kiện trọng đại ngày 30-4 tại dinh Độc Lập, trung úy Vũ Đăng Toàn với chiếc xe tăng 390 hay trung úy Bùi Quang Thận với chiếc xe tăng 843 mới là người đâm vào cổng Dinh Độc lập đầu tiên? Và…còn rất nhiều sự kiện khác được đưa ra làm “ví dụ”.

Nhân dân mình đang thắc mắc cho một con người hay nhiều con người? Nhân dân mình đang thắc mắc đúng hay sai? Xin thưa, dân mình thắc mắc là đúng!

Vì nhân dân biết ơn bộ đội, biết ơn chiến sĩ nên thắc mắc. Nhưng “dư luận”, xin được dùng hai từ ấy, vì không thể dùng từ “nhân dân” hay “dân mình” được nữa. Một bộ phận dư luận đang lên án quá mạnh mẽ vấn đề: Ai mới là người đầu tiên?. Vẫn biết rằng, những thắc mắc ấy là chính đáng, nhưng xin đừng lên án. Xin hãy nghĩ thấu tình đạt lý, nhất là trong những ngày cả nước hướng về Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nếu suy nghĩ thật thấu đáo, dù cho báo chí hay sự thật hiện trường đúng, xin hãy biết rằng, điều ấy chẳng có ý nghĩa gì khi một người chiến sĩ ở trong tập thể, trong quân ngũ với các chiến sĩ anh em khác. Lập công cần rõ ràng, đúng! Nhưng tại sự kiện hầm thủy điện Đạ Dâng, chiến công được tổng hòa của sự chỉ đạo, tinh thần đoàn kết và nhất trí cao của tập thể cán bộ, chiến sĩ công binh Lữ đoàn 293 và Tiểu đoàn 93 Binh chủng công binh. Đây là yếu tố mà Quân đội luôn đề cao: Đoàn kết!. Quân đội nhân dân VIệt Nam là khối đoàn kết, thống nhất.

Chính vì vậy, vụ giải cứu 12 công nhân của vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, mỗi chúng ta nên hiểu rằng, người làm nên chiến tích ấy chính là tập thể các chiến sĩ, là Quân đội nhân dân Việt Nam – những người đến sau nhưng lại là người “kết thúc”. Nếu suy nghĩ thấu đáo, mỗi chúng ta sẽ hiểu rằng, do đâu mà tập thể ấy hàng động, đó là vì chúng ta – nhân dân. Hai tiếng nhân dân đã trở thành nguồn cội sức mạnh để Quân đội nhân dân Việt Nam, để những người lính công binh có những hành động đẹp, phát huy cao độ tình thần: “Ở đâu nhân dân cần, ở đó có Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Quân đội nhân dân Việt Nam luôn cất cao lời “Hát mãi khúc quân hành”, phục vụ nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu

Suy cho cùng, ai là người đầu tiên đã không còn quan trọng nữa khi “nhân dân” mới là người quan trọng nhất, là những người đầu tiên để bộ đội cụ Hồ xả thân, cứu giúp. Đầu tiên hay chỉ là thứ hai hoàn toàn trở nên vô nghĩa khi 12 công nhân đã được cứu nạn thành công và điều họ biết ơn là “các chiến sĩ công binh”, biết ơn bộ đội.

Vậy nên, vấn đề: “Ai mới là người đầu tiên” dù có đi đến kết luận nào sẽ không còn là điều to tát vì Quân đội ta làm việc vì dân và Nhân dân ta biết ơn bộ đội. Đó là sự gắn kết không thể tách rời giữa nhân dân và Quân đội ta. Trong những năm tháng chiến tranh, dân ta nuôi cán bộ, nuôi bộ đội, cán bộ ta chiến đấu, bảo vệ nhân dân. Mối quan hệ tương trợ, gắn bó đó dù ở thời bình đều được dân và quân ta gìn giữ, phát huy.

Báo Phụ nữ Việt Nam ra ngày hôm nay có bài “Vì họ là những người lính” có đề cập đến vấn đề này, trong bài, phóng viên có trích dẫn câu trả lời của một công nhân của vụ sập hầm, khi lý giải vì sao các chiến sĩ quân đội ta có mặt muộn nhất nhưng là người giải cứu các công nhân đầu tiên. Câu trả lời của công nhân: ““Bởi bản chất của quân đội là “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”.”

Thì nhân đây, xung quanh việc dư luận đang băn khoăn “Ai là người đầu tiên?”, xin nói một câu thôi: “Vì nhân dân – chính là nguồn cội sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam”, chính từ nguồn cội này mà không ai là người đầu tiên, không ai là người thứ hai. Dân – mới là người đầu tiên quan trọng nhất, để Quân đội này là Quân đội của dân, do dân và vì dân, không bao giờ thay đổi./.

Phạm Công Nghĩa


Posted

in

by

Tags: