Điều đặc biệt của dòng văn học trinh thám quan án là viết về các vị quan dưới thời phong kiến. Chính vì vậy nét nổi bật của dòng trinh thám quan án chính là mang đậm văn hóa Phương Đông, đặc biệt là thời phong kiến. Quan không chỉ là người chăm lo tới đời sống kinh tế, các vấn đề xã hội mà còn phải quan tâm đến đời sống tinh thần của người dân (không khác gì cha mẹ thứ 2) và hầu hết các tác giả cũng là người Phương Đông. Chính vì thế khi một bộ truyện trinh thám quan án lại do một người phương Tây, một nhà Đông Phương Học viết như Địch Công Kỳ Án nó ngay lập tức gây được sự tò mò của người đọc? Hãy cùng trò chuyện dịch giả Tùng Vũ - Dịch giả của Hoàng Kim Án về bộ sách rất đặc biệt này nhé.
.JPG) |
Dịch giả Tùng Vũ - giảng viên đại học, doanh nhân trẻ. |
Chào Tùng Vũ, là một dịch giả Tiếng Anh nhưng bạn lại dịch Địch Công Kỳ Án với phong cách mang đậm nét Phương Đông thì trong quá dịch thuật Tùng Vũ có gặp phải những khó khăn gì không ạ? Chẳng hạn như những từ "cổ", từ chuyên sâu về Đông Phương học, hay văn phong?
Bộ truyện Địch Công nổi tiếng trên thế giới đã lâu. Tuy nhiên, ở VN, chuyển thể nó sang tiếng Việt thành công là không nhiều. Có lẽ là vì nó khó dịch. Cụ thể là những vấn đề sau: Thứ nhất, Địch Công kỳ án pha trộn văn hóa phương Đông với phương Tây. Văn phong hai trường phái này vốn dĩ đã khác biệt, trộn lẫn chúng vào nhau để độc giá tiếp nhận được, không thấy sượng, là cả một vấn đề lớn. Đơn cử đơn giản như tên các địa danh, cách xưng hô phương Tây chỉ có You – I, trong khi phương Đông thì rất đa dạng (anh, em, chú, bác…), đem vào cổ trang lại các phức tạp hơn (phụ, mẫu, huynh, đệ, chàng, thiếp, tướng công…) Thứ hai, từ ngữ cổ xưa rất nhiều, mà lại của Trung Quốc. Bản thân mình là dịch giả tiếng Anh, nhưng ngôn từ của tiếng Trung, thành ra phải tham khảo cả các bạn giỏi về tiếng Hoa. Thứ ba, càng về các tập sau, không những mức độ trinh thám, phá án ngày càng tăng lên, mà văn phong của tác giả ngày càng trau chuốt, mềm mại hơn. Điều này buộc người đọc phải hết sức tinh tế, trau chuốt trong từng câu chữ.
Trong quá trình dịch Series Địch Công Kỳ Án, Tùng Vũ có phải tham khảo thêm những nguồn tư liệu nào không? Và khi dịch bộ sách này điều mà Tùng Vũ tâm đắc nhất là gì?
Khi dịch Hoàng Kim Án, Tùng Vũ đã phải tham khảo các tài liệu về tiếng Trung, về thời phong kiến Trung Quốc, cụ thể là nhà Đường; rồi các dữ kiện lịch sử về bối cảnh thời đại khi đó, nhân thân, lai lịch cuộc đời của Địch Nhân Kiệt. Nguồn tài liệu là sách, báo chí, mạng, trao đổi với người quen trong giới, các bạn biên tập viên của Phúc Minh. Bộ sách này khiến Vũ tâm đắc nhất là về con người Địch Công – Địch Nhân Kiệt. Không những tài ba, phá án như thần, ông còn là một con người đức độ, thương dân như con. Cuộc đời ông là cả một quá trình phấn đấu lâu dài, nếm mật nằm gai từ thuở hàn vi, cho đến khi leo lên đến tột đỉnh quyền lực nhà Chu.
 |
Địch Công Kỳ Án - bộ sách khai phá dòng trinh thám quan án ở Việt Nam. |
Được biết khi dịch sách Tùng Vũ có chia sẻ thêm bằng những lời bình khá chi tiết và tâm đắc? Nguồn cảm hứng nào giúp Tùng Vũ có thể "thăng hoa" đến như thế?
Nguồn cảm hứng thì tựu trung ở hai điểm: thứ nhất, tâm huyết của Phúc Minh khi làm bộ sách này đã khiến mình quyết tâm làm mới bộ sách so với nguyên tác, hy vọng lần đầu tiên ở VN có loại sách trinh thám quan án trở thành best-seller; thứ hai là mình rất yêu thích dòng fiction, và may mắn được chạm bút làm bộ truyện rất hay này, Tùng Vũ rất yêu thích và thần tượng một mẫu người như Địch Công. Quốc gia nào có được 1,2 nhân tài như ông, cũng sẽ có thể chuyển vận hóa rồng.
Trước đó Tùng Vũ đã tưng dịch cuốn truyện trinh thám nào chưa? Và nét khác biệt nhất của thể loại trinh thám quan án do tác giả Phương Tây viết so với các tác trước đây mà Tùng Vũ đã từng dịch là gì?
Mình cũng từng dịch vài cuốn về trinh thám. Nhưng tác phẩm này là độc đáo nhất, có lẽ không chỉ với mình, mà không ít đồng nghiệp cũng sẽ cảm nhận như vậy. Địch Công kỳ án là sự pha trộn giữa phương Đông và phương Tây, giữa bối cảnh phong kiến thời xưa với suy luận theo kiểu hiện đại. Một tác phẩm thuộc hàng danh tác, lại quá độc như thế này, phải nói Phúc Minh đã rất dũng cảm khi thực hiện bộ truyện. Vì nếu thành công, nó sẽ một trong số ít các tác phẩm trinh thám trở thành best-seller, nhưng nếu không thể chuyển tải hết cái hồn, cái thần thái của câu chuyện, của tác giả, thì có thể bao tâm huyết của Phúc Minh và mình đổ sông đổ bể.
 |
Địch Công Kỳ Án được đánh giá là "mưa nguồn Trung Hoa, gió nguồn Âu Mĩ" |
Theo bạn thì điều gì làm nên sức hấp dẫn của dòng trinh thám Quan Án nói chung và của Địch Nhân Kiệt nói riêng?
Sức hấp dẫn của dòng truyện này, nói đơn giản thì như bạn thấy đó: trong lịch sử Trung Hoa, có 2 thần thám nổi tiếng nhất, cả về tài và đức là Bao Công – Bao Thanh Thiên, và Địch Công – Địch Nhân Kiệt. Bao Công thì đã quá nổi tiếng ở VN rồi, hy vong Địch Công cũng sẽ thế.
Dòng trinh thám quan án đưa người đọc tạm rời xa những khung cảnh đời thường, hiện đại, đôi khi đã trở nên nhàm chán với bạn đọc trinh thám, để đến với môi trường có phần lạ lẫm của bối cảnh phong kiến xa xưa. Đó có thể là một sự ‘Đổi khẩu vị’ hay ho đấy chứ!
Về con người Địch Nhân Kiệt, tài đức vẹn toàn, trí dũng đa mưu. Sức hấp dẫn đến từ chính con người ông, và từ phong cách phá án đặt nặng vào phân tích tâm lý nhân vật, đặt bản thân mình vào vị trí của nhân vật. Cuộc đời của ông, và các vụ án ông phá được đặt trong bối cảnh phải chống chọi với không ít sức ép từ giới quan lại hủ bại, từ chế độ phong kiến Đường triều, nói tóm lại là ông đã hài hòa giải quyết được các vụ án, thấu tình đạt ý, vừa giữ mình tồn tại được trong giới quan trường hiểm ác, lắm đua chen, để rồi cuối cùng ông đạt được tâm nguyện cả đời mình là ‘Phò đời, giúp nước, phơi chí anh hào’
Nếu được dịch thêm một bộ nữa về thể loại này, Tùng Vũ sẽ nhận chứ? Và Bạn sẽ lại đem đến bất ngờ cho các bạn độc giả nữa không (Ví dụ như vẽ tranh bình hay làm thơ bình)
Tất nhiên là mình nhận rồi, đặc biệt nếu đó là của Phúc Minh. Mình rất thích thể loại này. Một bộ trinh thám, kiếm hiệp kỳ tình, gắn với lịch sử văn hóa Việt Nam nhỉ…Hy vọng đến lúc đó bạn đọc đón nhận. Làm mới mình luôn là điều mà các tác giả nhắm tới. Biết đâu sẽ như bạn nói đấy. Vẽ thì chắc phải nhờ công ty và NXB rồi, còn thơ thì mình sẵn sàng.
Theo bạn trinh thám quán án cổ điển với trinh thám cổ điển Phương Tây có nét gì giống và khác biệt không?
Giống là chúng đều mang nội dung trinh thám, tập trung vào phá án, đi sâu vào tình tiết, sử dụng thủ pháp bất ngờ, ‘dương đông kích tây’, đối với những truyện hay, kết cục và thủ phạm luôn làm người đọc té ngửa, ngã nhào, thậm chí phải quay về, đọc lại từ đầu để xem tại sao lại như vậy.
Khác biệt chính nằm ở 2 phong cách phương Đông và phương Tây, thời xưa và thời nay. Những truyện mix nhiều thể loại, bối cảnh thường rất hay, hấp dẫn, nhưng khó làm, khó dịch. Nếu giải quyết tài tình được sự pha trộn ấy, bạn sẽ thành công.
P.V