Giải mã chuyện vua Đinh xét án bằng “hổ dữ, vạc dầu”

Vì muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, Đinh Tiên Hoàng định ra cách xử án bằng  “hổ dữ, vạc dầu” có một không hai trong sử Việt. Thực hư của pháp hình này rao sao?

Pháp hình cũng lạ xưa nay, 
Hùm nuôi trong cũi, vạc bày ngoài sân.
Hai câu trên trong bài diễn ca lịch sử bằng thơ Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái đời nhà Nguyễn, nói về cách xử án “độc nhất vô nhị” trong sử Việt. Thực hư của pháp hình này rao sao?
Kiểu xét án độc nhất triều Đinh
Thời nhà Ngô (938 – 965) với Ngô Vương Quyền mở đầu trang sử độc lập, tự chủ của dân tộc ta sau chiến thắng Bạch Đằng năm Mậu Tuất (938), rồi các triều đại tiếp nối về sau là nhà Đinh (968 – 980), nhà Tiền Lê (980 – 1009) củng cố vững chắc nền tảng độc lập, tự chủ đó để về sau chế độ phong kiến Đại Việt dần đi vào hoàn thiện, phồn thịnh.
Cũng bởi mới bước đầu xác lập, xây dựng chế độ phong kiến, nên các triều đại lúc này vào thế kỷ X còn nhiều điểm mang tính sơ khai, chưa được hoàn chỉnh. Tiếng là đã chế định triều nghi từ thời nhà Ngô với hai ban văn võ, nhưng trong lĩnh vực hình pháp, thì luật pháp thành văn chưa xuất hiện, triều đình xét xử vẫn dùng luật tục trong dân gian là chủ yếu. Phải đến thời Hậu Lý (1009 – 1225), cơ quan chuyên trách pháp luật là Bộ Hình và Thẩm hình viện được xây dựng, rồi bộ luật thành văn đầu tiên là Hình thư ra đời năm Nhâm Ngọ (1042), lúc ấy nền móng cho pháp luật nước Nam mới có và phát huy vào các đời sau với Quốc triều thông chế nhà Trần, Đại Ngu quan chế hình luật đời Hồ, Quốc triều hình luật thời Lê sơ… Còn thế kỷ thứ X thì sao?

 

Đinh Tiên Hoàng cho nuôi hổ dữ trong cũi để xét án. Ảnh minh họa.

 

Trong giai đoạn chuyển giao thời đại từ Bắc thuộc đi lên độc lập tự chủ, đất nước mới có được nền nhất thống sơ khai, phải lo củng cố sức mạnh quân sự để đương đầu với sự xâm lược trở lại của giặc phương Bắc, thế nên dễ hiểu là trong hàng ngũ quan lại, chủ yếu là quan võ, ngay cả các vị vua thời Ngô, Đinh, Tiền Lê đều là những người giỏi về chiến trận, đánh dẹp hơn là văn nghiệp. Thời nhà Đinh, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh sau khi lên ngôi Hoàng đế thì: “Vua định phẩm bậc của các quan văn, võ và tăng đạo: Nguyễn Bặc làm Định Quốc Công, Lưu Cơ làm Đô hộ phủ Sĩ Sư, Lê Hoàn làm Thập Đạo Tướng quân, Ngô Chân Lưu được hiệu là Khuông Việt Thái sư, Trương Ma Ní làm Tăng Lục Đạo Sĩ” (Việt sử tiêu án – Ngô Thì Sĩ).

Nhưng, trị nước không chỉ là gươm bén, cung căng, giáo dài… mà còn bao việc phải lo để quốc thái dân an. Trong đó, không đời nào là không có kẻ phạm tội lớn nhỏ nên dĩ nhiên phải có việc xét xử, kiện tụng án nọ, án kia. Thế nên khi nhà Đinh thay nhà Ngô, vua Đinh Tiên Hoàng cũng quan tâm tới vấn đề đó. Nhưng vua áp dụng một biện pháp chưa từng có trong sử nước Nam ta nói chung và Đại Cồ Việt nói riêng.
Theo sử cũ truyền lại: “Vua (Đinh Tiên Hoàng) muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng: “Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn” (Đại Việt sử ký toàn thư). Trong Việt sử toàn thư, tác giả Phạm Văn Sơn cũng cho biết điều tương tự: “Tiên Hoàng Đế ban hành nhiều luật lệ rất khắt khe. Ngài đặt vạc dầu ở trước điện, nuôi hổ báo trong vườn, dựng cột đồng nung đỏ để trừng trị những kẻ gian ác và phản bội”.
Giải mã “hổ dữ, vạc dầu”
Các triều đại sau thời Đinh dù khi khép tội tử hình, có những cách xử khác nhau như lăng trì, giảo (thắt cổ), trảm (chém đầu), khiêu (chém bêu đầu) hay dùng thuốc độc… nhưng xét ra, biện pháp xử án dùng “hổ dữ, vạc dầu” như nói ở trên  xét về tình rõ ràng bất hợp lý. Nhưng đặt trong bối cảnh lịch sử nước Việt thế kỷ thứ X, mới thấy được cái lý trong quy định của Đinh Tiên Hoàng. Nước có nền tự chủ chưa được bao lâu, loạn 12 sứ quân vừa vãn hồi, ắt trong nhân gian vẫn còn nơi này, nơi khác có mầm mống phản loạn. Chứng thực về sau có nhiều vụ như phò mã Ngô Nhật Khánh làm phản, hay Chi hậu nội nhân Đỗ Thích ám sát vua… mới thấy mầm phản loạn còn rất nhiều. Trong khi đó, quan chuyên về võ phần nhiều, thi cử chọn người tài chưa có, việc chế định luật pháp bởi thế cũng chưa thể thực hiện. Để dựng nước, yên dân, diệt mầm loạn đảng, bớt việc sai trái, vua mới cho đúc vạc lớn, nấu dầu sôi giữa sân điện, lại bắt hổ dữ cho vào cũi mà dọa kẻ nào manh tâm làm chuyện trái nghịch.
Tại thế kỷ X, việc nuôi hổ dữ trong cũi sắt, nấu dầu sôi giữa sân điện không tồn tại trong đời Ngô trước đó và đời Tiền Lê sau này, duy chỉ có ở đời vua Đinh Tiên Hoàng.
Trong lịch sử Trung Quốc xưa kia, có nhiều vị vua cũng đã từng dùng những biện pháp mạnh để xét xử, khiến người đời khiếp sợ. Điển hình là Trụ Vương nhà Thương để vui lòng Đắc Kỷ đã định ra kiểu xét xử “sái bồn” bằng cách đào hố sâu, bỏ rắn độc vào, lột y phục người bị tội xô xuống cho rắn cắn chết, rồi hình phạt “bào lạc” dùng chiếc cột đồng rỗng ruột đốt lửa đỏ cho nóng, dí nạn nhân vào cho thịt da cháy khét mà chết trong đau đớn. Tần Thuỷ Hoàng cũng ưa hình pháp, chôn sống người phạm tội, lại kẻ nào bất đồng chính kiến, cho bỏ luôn vào vạc dầu sôi suốt mấy ngày đêm làm bao nhiêu quan thần phải bỏ mạng. …

 

Hình phạt bỏ vạc dầu sôi ở Trung Quốc xưa.

 

Vua Đinh trong một chừng mực nào đó không thể không bị ảnh hưởng bởi những tiền lệ đã có mà áp dụng cho triều đình của mình. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, dù là biện pháp mạnh, thậm chí có phần khắc nghiệt, nhưng trong sử sách tự cổ chí kim chưa từng ghi nhận trường hợp nào phạm trọng tội mà bị Đinh Tiên Hoàng bỏ cho hổ xé xác phanh thây, hay phải chịu nghiệp luộc chín trong vạc dầu sôi đỏ lửa.

Ngay lời trích dẫn của Đại Việt sử ký toàn thư có viết: “Mọi người đều sợ phục, không ai dám phạm”, đủ cho chúng ta thấy biện pháp của Đinh Tiên Hoàng chủ yếu là ngăn ngừa hơn là thực thi. Trong Việt sử toàn thư được hậu thế viết sau này cũng khẳng định: “Nhờ có hình luật nghiêm khắc này, nền an ninh quốc gia được vãn hồi”.
Như vậy, dẫu hổ dữ có nuôi, vạc dầu có đỏ lửa, nhưng vua Đinh chỉ là để khuyên răn những kẻ có dã tâm phạm tội nhìn thấy mà khiếp sợ, hơn là hiện thực hóa hình phạt.
Mặc dù có tác dụng đáng kể giúp sơn hà xã tắc trong buổi đầu được yên ổn, nhưng việc xử án không dựa vào văn bản, chế luật nhất định của thời Đinh cũng có tác dụng ngược của nó. Với việc xử án theo cảm tính, thì khi vua đang có tâm trạng vui vẻ, ắt xử án khoan dung, độ lượng. Còn đấng kim thượng mà đương cơn nóng giận, nổi trận lôi đình, thì việc không cũng thành có, ít thành nhiều, mà đúng thành sai là điều không thể không tránh khỏi. Thế nên trong An Nam chí lược của Lê Tắc, khi viết về vua Lê Đại Hành, cũng là thời chưa có luật thành văn, phần thuật lại chuyến đi sứ của Tống Cảo năm Canh Dần (990) có viết về vua ta: “Bọn quan thuộc hễ ai thạo việc, thì chọn vào ở thân cận, ai phạm chút lỗi gì, thì đánh đuổi đi, khi hết giận, thì cho khôi phục chức cũ”.
Khi nhà Tiền Lê dứt, nhà Hậu Lý lên nối nghiệp năm Kỷ Dậu (1009), thì đến năm Nhâm Ngọ (1042) đã có luật Hình thư để giản tiện cho việc xử án, tạo điều kiện cho luật pháp nước ta tiến lên một bước mới từ xét xử bằng luật tục, cảm tính lên xét xử bằng luật nước, luật thành văn có sự quy củ, rõ ràng: “Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đây phép xử án được bằng thẳng rõ ràng” (Theo Đại Việt sử ký tiền biên).
Theo Kienthuc

Posted

in

by

Tags: