Kêu gọi Văn Hậu trở về Việt Nam lúc này là để phục vụ cho mục đích ngắn hạn của bóng đá Việt Nam, nhưng với mục tiêu xa hơn và chính bản thân sự nghiệp của hậu vệ này thì sao?
Giới truyền thông vẫn duy trì thói quen “nhìn vào khía cạnh bi quan” khi nói về chuyện tương lai của Đoàn Văn Hậu sau những thông tin gần đây về vấn đề liên quan. Kéo theo đó là “phải chăng đây là nước cờ sai?”, phải chăng Văn Hậu nên trở về?” và xa hơn nữa, “phải chăng ra nước ngoài chơi bóng vẫn là giấc mơ khó với của bóng đá Việt Nam?”...
 |
Văn Hậu đến Hà Lan từ tháng 9 năm ngoái |
1. Hậu vệ vừa bước sang tuổi 21 hôm 19/4 đã nói rõ quan điểm của mình về chuyện tương lai. Theo đó, anh muốn tiếp tục được ở lại châu Âu. “Để cạnh tranh vị trí”, đó là điều Văn Hậu nhắc đến.
Với góc nhìn báo chí, sau những gì diễn ra với Văn Hậu từ tháng 9 năm ngoái, “cạnh tranh vị trí” là điều gì đó thực sự xa vời. Thống kê cho thấy, cầu thủ mà CLB Heerenveen mượn từ Hà Nội FC chưa có một phút nào thi đấu tại Eredivisie (giải VĐQG Hà Lan), chỉ có 4 phút cuối ở một trận đấu tại Cúp Quốc gia Hà Lan khi thế trận đã an bài, trong khi mặt trận anh tham gia thường xuyên nhất là giải trẻ.
Dần dần, từ hy vọng, chờ đợi trở thành những dấu hỏi nghi vấn về một thương vụ liên quan tới thương mại chứ chuyên môn không được đặt ở trung tâm.
Cùng với việc Thủ tướng Hà Lan cấm các hoạt động bóng đá ở quốc gia này cho đến hết tháng 8 vì dịch Covid-19 và hợp đồng mượn chỉ có thời hạn tới 30/6 (có thể sớm hết hiệu lực nếu mùa giải ở Hà Lan có quyết định hủy), đã có nhiều lời kêu gọi Văn Hậu trở về.
 |
Hậu vệ 21 tuổi mới chỉ có 4 phút đá cho CLB Heerenveen ở Cúp Quốc gia Hà Lan |
Đi thật xa để trở về, đúng vậy, nhưng về lúc này là quá sớm! Ở đây, miễn bàn đến vấn đề hợp đồng đó phục vụ cho mục đích thương mại hay không, với cá nhân Văn Hậu, đây là một quá trình học hỏi vô cùng đáng quý.
Với nhiều người hiểu và biết chất lượng của bóng đá châu Âu ở mức nào, Eredivisie hẳn nhiên nằm trong Top 10 giải VĐQG hàng đầu với những đòi hỏi rất cao về chuyên môn. Khó cho Văn Hậu là anh chơi ở hàng thủ, lại là vị trí cánh vốn có những đòi hỏi riêng.
Từng có nhận định rằng, các hậu vệ cánh sẽ trở thành những nhân vật rất quan trọng và điều đó được chứng minh với 2 cầu thủ của Liverpool lúc này. Với Văn Hậu, phòng ngự có thể không phải vấn đề quá lớn nhưng tham gia tấn công là khía cạnh phải cải thiện. Nói chính xác là hoàn thiện mình, cả về thể lực lẫn chuyên môn.
Có những mối lo ngại rằng Văn Hậu không được đá cho đội 1 sẽ ảnh hưởng đến anh, đến đội tuyển Việt Nam, nhưng đó có lẽ là nhận định xuất phát từ việc không được chứng kiến anh chơi bóng ở giải đấu hàng đầu Hà Lan. Ngồi dự bị hoặc xem từ khán đài cũng là một cách học hỏi. Đá ở giải trẻ cũng là một cách học hỏi, bởi cũng có thể nói, dù chỉ là trẻ nhưng chất lượng cầu thủ châu Âu vẫn hơn nhiều đội bóng tại Việt Nam.
 |
Tập luyện... |
Vậy thì trở về Hà Nội FC, Văn Hậu có học hỏi thêm được gì khi xung quanh là các đồng đội chất lượng và đối thủ không quá mạnh? Nó chỉ chứng tỏ sự vượt trội của Văn Hậu nhưng lại khó đưa anh vượt qua giới hạn của mình.
Hẳn là sau gần 9 tháng, Văn Hậu đã tự mình nhìn nhận được những điều bổ ích cho bản thân để nói về nguyện vọng tiếp tục ở lại châu Âu, Hà Lan hoặc một quốc gia khác.
2. Như đã nói trên, đang có lời kêu gọi Văn Hậu trở về để được thi đấu thường xuyên, trở về vì bóng đá Việt Nam, vì đội tuyển Việt Nam. Nhưng với bản thân anh thì sao?
Việc nhận định Văn Hậu nên về để tập luyện và thi đấu cho Hà Nội FC là để hướng đến phong độ của anh tại AFF Cup – giải đấu mà Việt Nam đang là ĐKVĐ, cũng như giai đoạn vòng loại World Cup 2022. Điều đó đúng, nhưng chỉ là câu chuyện ngắn hạn. Với sự nghiệp của Văn Hậu thì sao?
 |
... đá cho đội trẻ cũng là một cách để học hỏi và trưởng thành |
Với xu thế, với mong muốn, với kế hoạch của bóng đá Việt Nam về việc “càng nhiều cầu thủ ra nước ngoài thi đấu càng tốt” thì sẽ thế nào?
Chúng ta thường nhìn nhận việc cầu thủ của mình không được ra sân ở nước ngoài là một thất bại chứ không đặt vào bối cảnh những gì họ học hỏi được ở môi trường chuyên nghiệp hơn bóng đá Việt Nam nhiều lần.
Cách sống, cách sinh hoạt, tập luyện, cách tôn trọng giờ giấc, tính kỷ luật, tinh thần tập thể, tất cả đều được lên lịch và thực hiện với chế độ nghiêm ngặt. Bóng đá Việt Nam cần nhiều cầu thủ như thế, nhiều tập thể như thế. Đương nhiên, đội tuyển Việt Nam cũng cần những cá nhân như thế.
Xuân Trường, Công Phượng tới Hàn Quốc, Nhật Bản hay Bỉ chơi bóng không hoàn toàn vô nghĩa, ít nhất là với cá nhân sự nghiệp của họ.
Từ chuyện của Văn Hậu, nhìn rộng ra, bóng đá Việt Nam có lẽ cũng cần phải làm quen để chuyển đổi dần phương thức tổ chức thi đấu mùa giải – bắt đầu vào mùa Thu và kết thúc trước mùa Hè. Bắt đầu ở thời điểm mát mẻ và kết thúc trước giai đoạn nắng nóng để các cầu thủ có kỳ nghỉ Hè thực sự. Ngoài ra, cũng là để thích ứng với lịch thi đấu của FIFA.
 |
Vừa khuyến khích cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, bóng đá Việt Nam cũng cần xem xét
về những điều chỉnh tổ chức mùa giải để tận dụng tốt lịch FIFA cho các ĐTQG |
Mỗi năm, FIFA vẫn có lịch thi đấu vào các tháng 3, 6, 9, 10 và 11, trong khi bóng đá Việt Nam nhiều năm “lãng phí” những thời điểm này để tổ chức các trận đấu giao hữu, tập hợp rèn quân cho ĐTQG.
Thêm một vấn đề khác, từ chuyện Đặng Văn Lâm (có thể là cả Văn Hậu nếu tiếp tục ở lại châu Âu) có khả năng không dự AFF Cup – giải đấu không thuộc FIFA, cho thấy việc đào tạo và phát triển cầu thủ tài năng cần được tiến hành sâu, rộng để mở rộng lựa chọn cho HLV trưởng thay vì quanh quẩn những gương mặt quen thuộc.