Chiều 7.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chính là việc chống bức cung, nhục hình áp dụng biện pháp đặc biệt trong điều tra.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Sơn cho rằng, với quy trình "khép kín" như hiện nay là chưa bảo vệ công dân, nhất là trong việc phê chuẩn tạm giữ, tạm giam. Vì thế cần quy định người dân có quyền gửi đơn đến Tòa án để Tòa án xem xét. Nếu Tòa án thấy cơ quan điều tra, viện kiểm sát trong quá trình bắt tạm giữ tạm giam chưa đủ chứng cứ thì Tòa án có quyền xem xét hủy bỏ ngăn chặn quyết định này. Vì buộc tội khép kín rất dễ dẫn đến oan sai, do vậy cần nghiên cứu để bổ sung.
 |
Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện phát biểu tại phiên họp |
Liên quan đến vấn đề chống bức cung, nhục hình, Phó Trưởng Ban nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng: Bắt buộc ghi âm ghi hình trong giai đoạn điều tra là cần thiết. Vì bức cung mớm cung đều xảy ra ở giai đoạn này, và đây cũng là giám sát khách quan để tránh bức cung nhục hình.
Đồng tình việc ghi âm, ghi hình để ngăn chặn bức cung nhục hình, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết: Nếu thực hiện thì sẽ là bước tiến tốt giữa xét hỏi và ghi âm ghi hình. Thực ra đối với các vụ án lớn nghiêm trọng, cơ quan công an đã có ghi âm, ghi hình, nhưng do điều kiện kinh phí còn hạn chế nên chưa mở rộng được.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, để chống bức cung nhục hình thì tốn kém đến mấy Quốc hội cũng đầu tư.
Về việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: "Nói không có tiền nên không làm là không được. Phải làm để đảm bảo quyền công dân".
“Bộ Luật này quy định tất cả những người làm tố tụng phải tuân thủ theo pháp luật, để đảm bảo công lý, công bằng, tránh lạm quyền, tùy tiện, bỏ sót, không bức cung, nhục hình, đẫn đến oan sai. Vì vậy đề nghị các đồng chí làm chặt chẽ, trách nhiệm” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.