Thời sự trong nước

20:06 07/04/2015
 Trao đổi với PV về sự việc đáng buồn mới xảy ra ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (Trung tâm Linh Xuân), ông Tô Đức – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) cho biết ngành chức năng đang tiến hành điều tra và sẽ tập trung làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Vu bao hanh tre nhiem HIV Lam ro vai tro cua nguoi dung dau hinh anh
Ông Tô Đức.

Thưa ông, sự việc đáng buồn mới xảy ra ở Trung tâm Linh Xuân một lần nữa cho thấy những “lỗ hổng” trong khâu quản lý các trung tâm bảo trợ xã hội. Chúng ta sẽ làm gì để ngăn chặn những hành động đau lòng này?


- Ngành chức năng sẽ tập trung tăng cường làm rõ vai trò, trách nhiệm của giám đốc, người đứng đầu. Trước đây dù đã có quy định nhưng chưa rõ về quy trách nhiệm. Từ yêu cầu tự chịu trách nhiệm, người đứng đầu cơ sở phải tăng cường các biện pháp giám sát nội bộ.

Bộ LĐTBXH sẽ hướng dẫn giám sát theo nghiệp vụ của ngành công tác xã hội, quản trị nội bộ, quản trị hệ thống,… thậm chí yêu cầu lắp camera ở những nơi chăm sóc, nuôi dưỡng. Hiện chưa áp đặt được ngay các điều kiện này nhưng những địa phương có điều kiện phải triển khai ngay, đặc biệt là những địa phương tự chủ về ngân sách.

Vụ việc ở Trung tâm Linh Xuân bị dư luận lên án mạnh mẽ vì đó là những trẻ em bất hạnh, nhiễm HIV. Biện pháp vẫn là “túm” người đứng đầu”, lâu dài ta có thể triển khai những biện pháp gì để hiệu quả hơn?

Mọi giải pháp đều không thể là “chìa khóa vạn năng” tại thời điểm này vì công tác xã hội chúng ta còn rất yếu. Sắp tới Bộ sẽ xây dựng đạo đức nghề nghiệp ngành công tác xã hội, đồng thời yêu cầu bằng cấp cụ thể. Hiện Bộ LĐTBXH vẫn yêu cầu nhân viên làm nhiệm vụ chăm sóc phải tối thiểu có bằng trung cấp về công tác xã hội, tuy nhiên có khó khăn là đội ngũ làm công tác chăm sóc, đặc biệt đối tượng chăm sóc diện đặc biệt như nhiễm HIV, khuyết tật nặng,… có quá trình lịch sử.

Vấn đề này Bộ đã có văn bản trình Thủ tướng ban hành Quyết định 32 phê duyệt đề án phát triển nghề công tác xã hội hướng tới phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp ở các cấp trình độ trung cấp, cao đẳng, cử nhân trở lên.

Chúng ta rất muốn chuẩn hóa mọi điều kiện, yêu cầu nhưng triển khai khuôn khổ pháp lý vào thực tiễn là cả một quá trình. Ví dụ Nghị định 68 quy định rất rõ định mức số cán bộ chăm sóc trẻ em nhiễm HIV: Dưới 18 tháng thì 1 người chăm 1 trẻ; trên 18 tháng đến dưới 6 tuổi thì 1 người chăm 3 – 4 trẻ; nhưng thực tế đều quá tải, thậm chí nhiều cơ sở không tuyển dụng được người chăm sóc trẻ vì điều kiện đãi ngộ thấp, công việc vất vả, nguy cơ bệnh nghề nghiệp.

Trong sự việc ở Trung tâm Linh Xuân, những cán bộ liên quan có đảm bảo đủ bằng cấp và các điều kiện khác hay không, thưa ông?

- Theo báo cáo các cán bộ này mới qua các lớp đào tạo kỹ năng ngắn hạn; việc đào tạo bài bản về công tác xã hội là chưa có.

Năm 2010, Thủ tướng mới ban hành đề án về phát triển công tác xã hội hỗ trợ các địa phương để tổ chức chuẩn hóa đội ngũ này. Đặc biệt, Thông tư số 34 cũng ban hành khuôn khổ pháp lý rõ ràng, yêu cầu tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội, yêu cầu cán bộ làm công tác chăm sóc phải tốt nghiệp trình độ trung cấp công tác xã hội, về xã hội học, tâm lý, giáo dục đặc biệt và các chuyên ngành khác,… cũng phải đảm bảo.

Vướng mắc là số lượng cần đào tạo lại lớn, kinh phí có hạn và đội ngũ chăm sóc so với nhu cầu thực tế quá mỏng. Một trung tâm nếu cử vài người đi học thì không có ai thay thế làm công việc đó nên thường cử được tỉ lệ nhất định tùy vào khả năng bố trí nguồn cán bộ của trung tâm.
Giải pháp trước mắt là căn cứ vào nguồn kinh phí Bộ bố trí, địa phương tổ chức lớp học ngay tại địa phương để cán bộ đi học thuận lợi, bố trí lịch học theo từng đợt để cán bộ luân phiên theo học…

Sau sự việc này, liệu có một cuộc tổng rà soát các trung tâm bảo trợ xã hội hay không?

Chỉ đạo mới nhất của Bộ LĐTBXH, riêng đội ngũ chăm sóc sẽ phải rà soát lại: Ai đạt chuẩn, chuẩn chuyên ngành gì, chuyên môn gì; ai không đạt chuẩn; phẩm chất đạo đức và tính cách có phù hợp hay không. Từ đó, đưa ra giải pháp phù hợp nhất với thực tiễn của từng cơ sở, song song triển khai giải pháp tổng thể. Giải pháp tổng thể sẽ là yêu cầu chuẩn hóa là bắt buộc, chỉ đạo quyết liệt địa phương trong việc rà soát đội ngũ này.

Bên cạnh việc đào tạo đạt chuẩn phải có lộ trình dài hơi vì phải tổ chức việc ngắn hạn đáp ứng yêu cầu. Ví như chăm sóc trẻ nhiễm HIV cần tổ chức lớp ngắn hạn về phương pháp chăm sóc, tâm lý, kỹ năng,…

Bộ sẽ tăng cường về vấn đề này, biên soạn tài liệu hướng dẫn kỹ thuật và tổ chức tập huấn cho các tỉnh, thành phố, từ đó các địa phương triển khai cho các cơ sở. Các biện pháp vĩ mô tầm quản lý nhà nước sẽ được lồng ghép với biện pháp cụ thể, quyết liệt của từng cơ sở. Mỗi cấp có trác nhiệm nhất định trong việc đảm bảo chất lượng chăm sóc.

Xin cảm ơn ông!


Để lại một bình luận

Thông tin phản hồi (0)

Bài mới cùng mục

Thông tin Thể thao Việt Nam
- Trụ sở: P601, CT4 chung cư Booyoungvina, Mỗ Lao, Hà Đông

ttvn

Top