Đất nước Việt Nam có truyền thống thượng võ. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử võ thuật cổ truyền đã trở thành một phần trong nền văn hóa nước nhà. Trong thời kỳ hội nhập ngày nay, với những giá trị hết sức quý báu, võ cổ truyền càng được coi là một thứ tinh hoa cần bảo vệ và gìn giữ nhằm truyền lại cho con cháu đời sau.
Một phần tinh hoa của văn hóa Việt Nam
Võ thuật cổ truyền gắn liền với lịch sử, với công cuộc dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của ông cha ta. Những giá trị đó đã trường tồn cùng với thời gian và trong thời kỳ hội nhập nó vẫn không thay đổi. Từ khi lập quốc, tổ tiên ta bên cạnh “văn trị” mưu lược tài tình, luôn đề cao “võ công” xuất chúng. Thời đại Hùng Vương dựng nước đã có Lạc Hầu, Lạc Tướng là những lực lượng lãnh đạo cả về cả “văn” lẫn “võ’’. Đến các triều đại phong kiến cũng rất coi trọng việc đào tạo nhân tài; mở trường dạy, khoa thi cho văn và võ. Cùng với các tiến sĩ văn (Thái học sinh) có tiến sĩ võ (Tạo sĩ). Nhiều vị vua, tướng văn võ song toàn. Các trường dạy võ xuất hiện khắp cả nước. Võ cổ truyền là hội tụ của nhiều môn phái và mỗi môn phái lại có sự giao thoa của những tinh hoa khác nhau. Chính vì thế, võ cổ truyền chứa đựng sức mạnh tổng hợp, là sự chắt lọc những nét tinh túy nhất để bồi đắp, bổ sung vào kho tàng võ học chân truyền của dân tộc. Đó là kết quả của sự giao lưu, hòa nhập giữa các dòng võ và quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, võ quan, võ tướng kỳ tài.
 |
Võ thuật cổ truyền gắn liền với lịch sử, với công cuộc dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của ông cha ta |
Các hệ phái võ thuật cổ truyền ở Việt Nam đa dạng nhưng có thể xếp vào 5 nhóm chính: Bắc Hà (miền Bắc), Bình Định (miền Trung), Nam Bộ (miền Nam), các môn phái có nguồn gốc từ Trung Quốc đến Việt Nam (các hệ phái danh gia Thiếu Lâm) và các võ phái Việt Nam phát triển ở nước ngoài. Tuy có nhiều hệ phái khác nhau nhưng tất cả đều có “đạo lý” chung là rèn luyện thân thể, ý chí, bản lĩnh, tự vệ, giúp người, giết giặc cứu dân, cứu nước. Nhìn tổng thể, võ đạo Việt Nam là một bộ phận của văn hóa dân tộc thể hiện tinh thần hành động, sức chiến đấu vì những nghĩa lớn, trước hết là vì sự tồn sinh của con người và cộng đồng dân tộc, với những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống đã dần tích lũy nội lực để trở thành nhân tố chủ đạo tạo nên “chủ nghĩa anh hùng” của một dân tộc anh hùng từng được minh chứng qua trường kỳ lịch sử.
Đại võ sư quốc tế Lê Kim Hòa - Phó chủ tịch kiêm Trưởng Ban chuyên môn Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam, Liên đoàn Võ thuật Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền TP.HCM đánh giá: “Võ thuật cổ truyền Việt Nam như rừng cây có nhiều gỗ quý. Nếu không đam mê tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi, tâm huyết với đất nước và dân tộc sẽ không thấy được sự vi diệu trong cấu trúc đòn thế, bài bản cùng những mối tương quan giữa lịch sử, văn hóa và truyền thống đạo lý”. Cùng quan điểm đó, đại võ sư Phạm Xuân Nam - Trưởng môn Võ Lâm Mạc gia, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Nam Định cũng cho rằng võ cổ truyền Việt Nam gắn liền với lịch sử Việt Nam. Trong hơn 4 ngàn năm dựng nước và giữ nước đã minh chứng và khẳng định võ cổ truyền Việt Nam thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc Việt.
 |
Đại võ sư Phạm Xuân Nam cho biết, Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền tỉnh Nam Định được thành lập khá sớm |
Cần bảo tồn, giữ gìn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam
Theo thăng trầm của lịch sử, võ thuật cổ truyền cũng có lúc nổi trôi, phiêu bạt. Chính vì thế, việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển võ cổ truyền Việt Nam đang được Đảng và Nhà nước quan tâm. Những chính sách cởi mở đã làm cho sự phát triển của đất nước lan tỏa tốt trong đó có võ thuật Việt Nam. Luyện tập võ cổ truyền đã trở thành phong trào thu hút ngày càng đông đảo quần chúng tham gia đặc biệt là đối với giới trẻ. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, từ năm học 2015-2016, những bài võ cổ truyền được đưa vào tập luyện trong các trường phổ thông trên toàn quốc.
 |
Việc đưa võ cổ truyền vào học đường là để tiếp tục bảo tồn và phát huy những tinh hoa dân tộc |
Việc đưa võ cổ truyền vào học đường là để tiếp tục bảo tồn và phát huy những tinh hoa dân tộc. Đại võ sư Quốc tế Lê Kim Hòa cho biết, võ cổ truyền Việt Nam đưa vào trường học có mục đích, tôn chỉ, môn qui, những điều tâm niệm để giáo dục võ sinh. Không phản thầy, phế đạo; không bất hiếu, bất trung, không bất nhân, bất nghĩa. Võ thuật khởi đầu bằng lễ và kết thúc cũng bằng lễ. Khi diễn quyền, bắt đầu bằng bái tổ (Tam bộ bái tổ, nhị bộ kính sư, hồi thân lập trụ…) và kết thúc cũng bằng bái tổ (Thoái hồi đơn phụng quang châu; Chân theo xà tấn kiếm hầu tổ sư). Đó là thông điệp mà các bậc chân sư gửi vào bài võ để nói lên tinh thần đạo đức trong võ thuật. Đại võ sư Lê Kim Hòa nhấn mạnh, tuy đặc thù của võ thuật là chiến đấu nhưng việc đưa võ vào học đường còn là phương pháp để nâng cao sức khỏe, qua đó trui rèn được nhiều đức tính quý báu như bền bỉ, chịu đựng, nhanh nhẹn, mưu trí, gan gạ và nhất là đỉnh cao người học võ khiêm tốn, điềm đạm, giảm dị, nhân ái và giàu lòng vị tha. Có rất nhiều thuật để làm cho thân thể khỏe mạnh, biết được 1 thuật đủ để khỏe mạnh và sống lâu. Võ thuật là một trong những nghệ thuật đó.
Chia sẻ về mục tiêu bảo tồn, giữ gìn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam, đại võ sư Phạm Xuân Nam cho biết, Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền tỉnh Nam Định được thành lập khá sớm (năm 1993) gồm 5 môn là võ cổ truyền, karatedo, taekwondo, wushu và pecak silat. Trải qua 3 nhiệm kỳ, do điều kiện chủ quan và khách quan Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Nam Định không tiếp tục hoạt động và giải thể theo quy định.
 |
Ngày nay, không chỉ có nam nhi mà cả phái nữ cũng tham gia rèn luyện võ thuật |
Tuy nhiên, với mong muốn khôi phục lại võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh, đại võ sư Phạm Xuân Nam đã nỗ lực cùng các thành viên cũ gây dựng lại Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Nam Định và được công nhận vào tháng 9/2017 với sự góp mặt của 7 võ phái, võ cổ truyền trên địa bàn gồm: Võ Lâm Mạc Gia, Bình Định Gia, Nam Hồng Sơn, Thiếu Lâm Sơn Đông, Thiếu Lâm Nam Phái, Võ Việt Bắc Thái. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định có khoảng 30 CLB võ thuật và võ đường. Huyện nhiều nhất có 5 CLB và ít là 2 CLB.
Thực hiện văn bản của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch ngày 11/8/2015 về việc Chính phủ đồng ý cho triển khai việc đưa võ thuật cổ truyền vào chương trình Giáo dục thể chất trong các cấp học phổ thông phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương. Đến nay, võ cổ truyền đã được đào tạo trong 5 trường cấp 3, 6 trường cấp 2 và 10 trường cấp 1 trên địa bàn tỉnh Nam Định với số lượng thiếu sinh lên đến hàng nghìn người. Hàng năm, Liên đoàn tổ chức phong đai - đẳng cho các thiếu sinh và trợ giáo. Hai năm gần đây, Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Nam Định đều tổ chức “Mùa xuân thượng võ” cho các võ đường và các CLB với sự góp mặt của hàng trăm người.
 |
Đến nay, võ cổ truyền đã được đào tạo trong 5 trường cấp 3, 6 trường cấp 2 và 10 trường cấp 1 trên địa bàn tỉnh Nam Định |
Ngày nay, không chỉ có nam nhi mà cả phái nữ cũng tham gia rèn luyện võ thuật. Hàng năm, nhiều giải đấu võ thuật cổ truyền ở nhiều cấp đã được tổ chức trên phạm vi cả nước. Người dân đặc biệt là thế hệ trẻ đã hăng say luyện tập và ngày càng quý trọng võ cổ truyền, bởi đây không chỉ là môn thể thao nâng cao sức khỏe, khai thông tinh thần, mà còn là “di sản quý giá” của ông cha để lại. Cùng với đó, võ cổ truyền không những chỉ được phổ biến một cách rộng rãi ở trong nước, mà còn được nhân rộng ở phạm vi ngoài lãnh thổ Việt Nam. Nhiều môn phái võ cổ truyền đã được dạy tại châu Âu, châu Mỹ, châu Phi hay nhiều quốc gia châu Á. Đây có thể coi là những tín hiệu vui trong việc quảng bá nét đẹp võ cổ truyền Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Nam Anh