Ngành thể thao đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ về việc đăng cai SEA Games 31 vào năm 2021. Ngày 4/6 tới, Việt Nam sẽ có câu trả lời chính thức tại phiên họp Hội đồng thể thao Đông Nam Á diễn ra ở Singapore. Hiện VOC rất mong muốn Chính phủ chấp nhận cho Việt Nam đứng ra nhận đăng cai SEA Games 31.
Trước đề nghị của ông Chris Chan, Chủ tịch Ủy ban Thể thao và luật của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á gửi Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, về việc xác nhận tổ chức SEA Games 2021. Các chuyên gia lĩnh vực thể thao trong nước đều đồng tình với việc Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31. Các lãnh đạo và chuyên gia ủng hộ với lời đề nghị này bởi sau khi Việt Nam xin rút lui không tổ chức Asiad 17 giữa chừng khiến chúng ta bị ảnh hưởng không ít đến việc chạy đua xin đăng cai các giải đấu tiếp theo.
 |
Tổ chức SEA Games 31 là cơ hội để TP HCM phát triển cơ sở hạ tầng thể thao |
Việc nhận lời mời của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á đăng cai SEA Games 2021 là cơ hội để Việt Nam lấy lại vị thế. Trách nhiệm phải đăng cai một kỳ thể thao khu vực sau 12 năm (kể từ SEA Games 2003 tổ chức tại Hà Nội) buộc chúng ta phải nhận lời thay vì bỏ lỡ cơ hội. Trước đó Hà Nội từng đăng cai Asian Indoor Games năm 2009 rồi Nha Trang sắp tổ chức Asian Beach Games 2016, nên TP Hồ Chí Minh - vốn là đầu tầu kinh tế của cả nước - cũng cần tổ chức giải đấu lớn mang tầm châu lục. Vấn đề đang được dư luận quan tâm là TP HCM cần 100 triệu USD hay 1 tỷ USD để tổ chức thành công sự kiện này.
Trước những thông tin về việc Việt Nam nhận được lời đề nghị đăng cai tổ chức SEA Games 31, một quan chức của Ủy ban Olympic Việt Nam đưa ra con số dự trù khoảng 100 triệu USD (hơn 2.000 tỷ đồng). Nó bằng 2/3 con số dự trù từng gây nhiều tranh cãi trong đề án xin đăng cai ASIAD 18 của Việt Nam cách đây không lâu. Một số ý kiến cho rằng nên tổ chức SEA Games 31 tại Hà Nội để tiết kiệm kinh phí do chúng ta đã có sẵn cơ sở hạ tầng từ SEA Games 22. Kinh nghiệm từ lần đăng cai Đại hội thể thao khu vực cũng giúp Hà Nội bớt khó khăn hơn trong công tác tổ chức. Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng chúng ta cần phải cân nhắc kỹ về địa điểm tổ chức SEA Games 31.
Theo phân tích của ông Minh thì tổng chí phí lần tổ chức SEA Games 22 ở Hà Nội khoảng 5.000 tỷ đồng, tương đương 250 triệu USD. Nếu TP HCM đứng ra tổ chức, chỉ tính 2 hạng mục cơ bản cần phải xây dựng là một sân vận động đạt tiêu chuẩn giống sân Mỹ Đình (khoảng 70 triệu USD) và một khu liên hợp thể thao dưới nước (khoảng 30 triệu USD) đã hết khoản dự trù 100 triệu USD. Nếu tính thêm các hạng mục khác, mức độ trượt giá, chi phí để tổ chức SEA Games tại TP HCM sẽ đội lên gấp nhiều lần. Con số 100 triệu USD mà nhiều người trong ngành thể thao dự trù là không khả thi.
Tuy nhiên, với vị thế và những nguồn lực hiện tại để TP HCM đăng cai và tổ chức thành công SEA Games không phải là vấn đề quá lớn. TP HCM là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực. Tầm cỡ của TP HCM hoàn toàn xứng đáng và đáp ứng đủ yêu cầu cho sự kiện như SEA Games. Chúng ta có thể rút ra những bài học từ Thái Lan trong những lần tổ chức SEA Games. Đất nước Chùa vàng đã đưa SEA Games về các TP khác nhau để tổ chức chứ không phải chỉ mình thủ đô Bangkok để quảng bá hình ảnh địa phương và nâng cấp cơ sở hạ tầng thể thao.
Việc tổ chức SEA Games ở TP HCM, thứ nhất sẽ góp phần tôn vinh thêm tầm vóc của địa phương này nói riêng và của cả nước nói chung. Thứ hai là quảng bá và lôi kéo khách du lịch tới TP HCM, thứ ba thúc đẩy kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển. Theo thống kê, kinh tế vùng TPHCM và Đông Nam Bộ đóng góp 40% GDP cả nước. Với đà tăng trưởng hiện tại, kể cả khi đặt ra bài toán 5.000 tỷ đồng, tương đương với lần tổ chức SEA Games 22 ở Hà Nội, địa phương này vẫn đủ khả năng đáp ứng. Thời gian từ nay đến SEA Games 31 còn 6 năm, đủ để ngành thể thao và TP HCM xây dựng một kế hoạch cụ thể và chủ động.
 |
HCM có nhiều địa điểm thu hút khách du lịch quốc tế |
Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh từng tổ chức nhiều giải đấu thể thao trong nước và khu vực. Theo thống kê của Cục thống kê TP Hồ Chí Minh, năm 2014, địa phương đã đăng cai tổng cộng 37 giải đấu trong nước và quốc tế và thi đấu trên địa bàn TP. Trong quá khứ, TP Hồ Chí Minh đã từng tổ chức thi đấu một số đơn môn cho SEA Games 2003 và cũng đúc rút không ít kinh nghiệm từ việc tổ chức của Hà Nội. Ngoài cơ sở vật chất vốn có, TP Hồ Chí Minh có thể sử dụng nguồn xã hội hóa và kêu gọi thêm nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Việc đăng cai tổ chức SEA Games 2021 sẽ giúp TP Hồ Chí Minh có thêm cú hích để tăng tốc và phát triển hơn trong giai đoạn tiếp theo.
"Tôi cho rằng đăng cai SEA Games 2021 là cơ hội ngàn vàng để TP Hồ Chí Minh cất cánh cả về thể thao lẫn kinh tế, xã hội. Thành phố sẽ có dịp tổng rà soát lực lượng vận động viên, huấn luyện viên và thực trạng cơ sở vật chất thể thao để có hướng đầu tư, phát triển phù hợp với sự đi lên của cả nước. TP.Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế năng động bậc nhất cả nước. Do đó SEA Games 2021 sẽ là cơ hội để quảng bá thành phố, phát triển du lịch thông qua các dịch vụ mua sắm, ẩm thực... Bạn bè quốc tế cũng sẽ quan tâm hơn đến việc đầu tư cho thành phố. Vấn đề là phải tổ chức SEA Games thế nào để đảm bảo cho sự phát triển bền vững lâu dài", ông Trần Văn Nghĩa vừa là một chuyên gia kinh tế thể thao, đồng thời là người nhiều năm gắn bó với thể thao TP Hồ Chí Minh nhận định.
Đây là cơ hội tốt để TP Hồ Chí Minh có thêm động lực để hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng và xã hội hóa nhà thi đấu đến với người dân tập thể thao sau khi SEA Games 2021 kết thúc. Với sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, TP HCM có đủ khả năng để nâng tầm Trung tâm thể dục thể thao Phú Thọ hay hoàn thiện khu liên hợp thể thao tại Rạch Chiếc (Quận 12) trên diện tích 410 ha, vốn bị bỏ hoang nhiều năm.
Nếu lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng như lãnh đạo đầu ngành thể thao có một đề án kế hoạch chi tiết về việc xây dựng cơ sở vật chất, tận dụng nguồn "xã hội hóa" cũng như việc tái sử dụng các công trình trị giá hàng chục triệu USD, như Làng vận động viên, nhà thi đấu hay sân vận động mới ra sao sau khi giải kết thúc. Điều này sẽ giúp TP HCM tổ chức thành công SEA Games 31 mà không quá tốn kém.
Hoàng Anh (thethaovietnam.vn)