Ngôi sao

12:12 15/12/2014

 

tien-dao-hoang-dinh-tung

Những năm đầu thế kỷ XXI, khi cơn bão game online chưa tràn về nông thôn, niềm vui của trẻ em nơi làng xã vẫn chỉ là các trò chơi truyền thống không tốn kém kiểu bắn bi, đá cầu, kéo co... hoặc chia nhau quần thảo cùng quả bóng tròn. Trên sân bóng đá xã Minh Khôi, huyện Nông Cống lúc bấy giờ, sau mỗi buổi tan trường, người ta thường bắt gặp một cậu bé mải mê thi đấu cùng chúng bạn đến quên cả thời gian. “Cậu bé” ấy chính là Hoàng Đình Tùng. Với Đình Tùng, nhiều khả năng quả bóng sẽ mãi chỉ là niềm vui chứ không thể trở thành sự nghiệp nếu không có một buổi tối đáng nhớ cách đây hơn 10 năm.
 
Đó là buổi tối cuối năm học lớp 9. Sau bữa cơm chiều muộn, trước lúc ôn bài, Tùng bắt gặp bắt gặp mẩu quảng cáo “tuyển sinh bóng đá” trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Tùng đem ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp đề đạt với nhị thân phụ mẫu thì ông bố... phì cười: bóng đá cần thể hình, thể lực, con bé tí như vậy chạy làm sao được? Nói vậy, nhưng ông cũng không muốn cậu con trai sớm thất vọng. Hôm sau, cha con Đình Tùng bắt chuyến xe khách từ Nông Cống ra TP Thanh Hóa. Trong khi Đình Tùng chứa chan hy vọng thì ông bố vẫn giữ suy nghĩ: đưa con đi chơi một chuyến cho thỏa nguyện trước ngày tốt nghiệp THCS, còn “thi xong xuôi tất cả lại về” là phần chắc!
 
Ấy thế nhưng, mọi chuyện diễn ra với cậu bé khác hẳn suy tính của ông bố. Quý tử nhà họ Hoàng vượt qua các bài sát hạch chuyên môn khá dễ dàng và chỉ 2 năm sau đó, Đình Tùng được đôn lên đội 1 Thanh Hóa.
 
Tiềm năng dưới “triều đại” HLV Trần Văn Phúc được đánh giá sẽ tiến xa hơn những đàn anh Văn Tuấn, Hoàng Đảm, Xuân Hợp, Huy Thái, Tiến Thành... tiền đạo nhỏ con người Nông Cống trở thành mục tiêu săn đuổi của rất nhiều “đại gia” trên thị trường chuyển nhượng. Trước những “tín hiệu” liên tục được phát ra từ các “miền đất hứa”, một sách lược giữ chân trụ cột đã được ông Trần Quốc Hưng và lãnh đạo CLB Bóng đá Thanh Hóa lúc đó triển khai trên diện rộng: cùng lúc 4 cầu thủ Đình Tùng, Văn Thắng, Hữu Thắng, Mạnh Hà (thủ môn) được đề nghị trở thành “viên chức đá bóng” - theo con đường xét tuyển vào biên chế Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh.
 
Câu chuyện biên chế cùng cái gật đầu duy nhất của 1/4 cái tên kể trên (thủ môn Mạnh Hà) lúc đó đã trở thành đề tài bàn tán của đông đảo dư luận nước nhà, bởi lương của một đời công chức không có sức hấp dẫn như những bản hợp đồng nhiều tỷ. Đình Tùng chơi thêm một mùa bóng (dưới thời ông Nguyễn Văn Đệ) trước khi khăn gói ra đất Cảng. Chẳng ai “nỡ” trách Đình Tùng vì không một viên chức nào sống nổi nếu chỉ có mấy đồng lương “còm cõi” thì cũng nên tôn trọng nguyện vọng của các cầu thủ, nhất là những người thuộc diện “sao”! 
 
Ấy thế nhưng, khi chọn Hải Phòng làm bến đỗ, dường như Đình Tùng mới quan tâm đến số tiền chuyển nhượng (được đồn đoán lên tới 9 tỷ đồng) mà không lưu ý sách lược dụng nhân của từng CLB. Ở Thanh Hóa, Đình Tùng chơi ở vị trí “tiền đạo cắm” với nhiệm vụ duy nhất là chớp thời cơ ghi bàn. Chuyên nhận các đường chuyền “dọn cỗ”, tiền đạo nhỏ con này thường xuyên là chân sút nội tốt nhất giải vô địch chuyên nghiệp quốc gia, thậm chí đoạt danh hiệu “vua phá lưới nội” (mùa giải 2011)... nhưng sang đội bóng mới, Đình Tùng phải “chạy thật lực” để tìm kiếm bóng rồi lại đơn độc phát động tấn công. Đội hình “nhiều sao” nhưng thiếu gắn kết nơi đất Cảng không thể thăng hoa. Đình Tùng cùng đồng đội ngậm ngùi đón nhận cái kết đắng lòng: xuống hạng với vẻn vẹn 23 điểm sau 14 vòng đấu (năm 2012.
 
Công cuộc tái thiết bóng đá Hải Phòng sau đó được bắt đầu bằng việc mua lại suất chuyên nghiệp của K.Khánh Hòa (năm 2013). Với sự bổ sung những gương mặt sáng giá như Tấn Tài, Quang Hải, Văn Phong, Ngọc Điểu..., Đình Tùng ngày càng ít cơ hội ra sân. Chưa hết, khi lãnh đạo CLB tuyển thêm một sát thủ “cỡ bự” là Antonio (người có tới hơn một thập niên chơi bóng tại Việt Nam, đã ghi gần trăm bàn thắng) thì tương lai cựu tiền đạo Thanh Hóa ngày càng mờ mịt. Ngay lập tức, Đình Tùng trở thành tiền đạo xứ Thanh vô duyên nơi xứ người.
 
Nếu 3 năm trước, quyết định chia tay đội bóng bên bờ sông Mã ở thời điểm cán cân tiền bạc nghiêng hẳn về phía CLB Hải Phòng của Đình Tùng được đánh giá là “khôn ngoan” thì 3 năm sau, chuyến hồi hương của tiền đạo nhỏ con này về đội bóng quê nhà cũng “sáng suốt” không kém. “Trở lại dòng sông tuổi thơ”, Tùng vừa được sự hoan nghênh của các đồng đội, người hâm mộ cũ, vừa có cơ hội tìm lại chính mình.
 
Điều người viết muốn lưu ý tiền đạo quê Nông Cống là: Tùng muốn tìm lại chính mình nhưng bóng đá Thanh Hóa thời “tiền V.League 2015” đã có nhiều đổi khác so với giai đoạn “hậu V.League 2011”. Hiện tại, các cầu thủ đội nhà không còn phải “phục vụ” một cá nhân nào nữa (như chính Đình Tùng năm 2011; Nastia Ceh của các năm 2013-2014) và nếu đội bóng bên bờ sông Mã có ra sân với sơ đồ 1 “tiền đạo cắm” thì người lĩnh ấn tiên phong lúc này là “bò mộng” Timothy Anjembe (người Nigeria) hoặc tiền đạo nhập tịch Lê Văn Tân chứ không phải “cố nhân” họ Hoàng.
 
Xem ra, không dễ để ông “vua phá lưới nội” năm nào tìm lại ánh hào quang ngày cũ!

 

Thanh Hóa

Để lại một bình luận

Thông tin phản hồi (0)

Bài mới cùng mục

Thông tin Thể thao Việt Nam
- Trụ sở Báo Thế thao Việt Nam

ttvn

Giấy phép báo điện tử Thể thao Việt Nam số 359/GP - BTTTT
Top