>>>Những "trái dấu" của Hoa hậu Việt Nam 2014 và Hoa khôi Áo dài 2014
>>>Chuyện cuối tuần: Từ vụ giẫm đạp tại Thượng Hải đến vụ bị đánh chết vì trộm chó
>>>Chuyện ngày cuối năm: Ăn xin đã hết chưa và chuyện Công Phượng thì sao?
Bưu điện TP Hồ Chí Minh được xây dựng vào khoảng năm 1886–1891, do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế đồ án. Công trình này đã có hơn 100 năm tuổi với những thăng tích của thời gian để lại. Người dân TP Hồ Chí Minh vẫn quen gọi Bưu điện TP Hồ Chí Minh là Bưu điện trung tâm Sài Gòn hay Bưu điện Sài Gòn, Bưu điện thành phố, v.v…
Có thể nói, bưu điện này là nơi mà người dân TP Hồ Chí Minh đã gắn bó và “lớn” cùng. Đây cũng được coi là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của thành phố mang tên Bác.
Tuy nhiên, gần đây, Bưu điện này đã “thay áo mới”, một tấm áo đẹp, “lòe loẹt” và theo những người trực tiếp quản lý bưu điện thì đó mới là “áo” của ngành “bồ câu”.
Đã quá quen, không thể đổi
Việc Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh sơn màu mới cho bưu điện là việc rúng động không chỉ Sài thành mà còn ồn ào cả nước về một công trình đã được “để ý”, đưa vào danh sách chờ xét những di tích văn hóa cấp quốc gia.
Người dân thành phố tự nhiên thấy “lạ mắt” vô cùng. Giới chuyên môn kiến trúc “bức xúc” vô cùng.
Nhiều kiến trúc sư khi được phỏng vấn đều đồng lòng một câu “thật vớ vẩn”, “thiếu khoa học”, không tôn trọng “lịch sử, văn hóa”,…
“Trước đây, khi xây dựng các công trình quan trọng, người Pháp cũng cân nhắc màu sơn: sang trọng và không lòe loẹt. Màu sơn từng được sử dụng cho tòa nhà bưu điện là màu vàng đất pha một tí trắng và dằn một ít màu đen, cho nên màu ấy không “bốc”.”
Đó là lời của Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội mỹ thuật TP Hồ Chí Minh khi được hỏi về vấn đề này. Bên cạnh đó, nhiều kiến trúc sư, họa sĩ cũng có cùng quan điểm với họa sĩ Uyên Huy, họ cho rằng bưu điện Sài Gòn đang phá bỏ lớp lang cổ kính và đặc trưng của thành phố vì hễ nhắc đến Bưu điện TP Hồ Chí Minh là người ta nhắc đến màu hồng nhàn nhạt, có chỗ đã ố của bưu điện dù rằng trước kia, khi xây dựng, bưu điện có màu vàng.


Màu "áo mới" của Bưu điện TP Hồ Chí Minh
Sở dĩ người dân và giới chuyên môn lên án hành động này của Lãnh đạo Bưu điện vì họ đã quá quen với một tòa nhà cổ kính, rêu phong, một bưu điện từ hơn 100 năm nay đã không có gì thay đổi, đùng một cái có chiếc áo mới sặc sỡ, lòe loẹt khiến ai cũng ngạc nhiên. Có người từng sống ở TP Hồ Chí Minh đã gần hết cuộc đời, có mấy thế hệ con cháu chắt vẫn thấy bưu điện với màu đấy, chiếc đồng hồ đấy, chưa “nỡ” rời xa.
Còn đối với nhiều họa sĩ, kiến trúc sư, họ cũng chính là những công dân của thành phố, hơn nữa họ lại là những người có chuyên môn, họ thấy thành phố có thay đổi thì thay đổi chứ những nét cổ kính như bưu điện thì không nên thay đổi.
Bưu điện TP Hồ Chí Minh nằm đối diện Nhà thờ Đức Bà và Trung tâm mua sắm Diamond Plaza, hai công trình này vẫn vậy, chỉ có bưu điện là “khác” thôi. Điều này khiến người ta nhìn vào tổng thể lại càng thấy “ngứa mắt” khi ở giữa hai công trình cổ kính lại mọc ra một công trình mới toe, cho dù trước đây cũng là cổ kính đấy!
Có lẽ, thói quen về mắt nhìn vẫn chưa thể thích nghi kịp.
“Trăm năm Kiều vẫn là Kiều”
Theo quyết định: QĐ 5360/QĐ-UBND ngày 25-11-2010 của UBND TP Hồ Chí Minh về việc kiểm tra di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn TP.HCM, tòa nhà Bưu điện TP.HCM được xếp vào hạng mục làm hồ sơ xét duyệt di tích cấp quốc gia.
Còn thông báo số 46/TB-UB-QLĐT ngày 17-5-1996 về việc bảo tồn cảnh quan kiến trúc TP Hồ Chí Minh thì tòa nhà Bưu điện TP được xếp thứ 20.
Vậy rõ ràng là Bưu điện TP Hồ Chí Minh đã nằm trong “tầm ngắm” những di tích cần được bảo tồn, cần được giữ gìn, mà đã là di tích thí nó phải nguyên vẹn với hình hài, đặc điểm, dù cho bị thời gian ăn mòn thì đó mới là điểm “hay” của di tích.

Nét cổ kính, trầm mặc trước đây của Bưu điện TP Hồ Chí Minh
Lãnh đạo Bưu điện TP Hồ Chí Minh đưa ra kết luận rằng: sơn sẽ theo màu thời gian, theo nắng theo gió mà phai, màu này cũng là màu đặc trưng cho ngành bưu điện. Ấy thế mà lạ, hóa ra phải đợi hơn 100 năm nữa mới thấy sơn bay màu, vì rõ ràng đã qua hơn 100 năm, cụ thể là 123 năm, sơn của Bưu điện mới nhàn nhạt thế này. Rõ nực cười!
Việc tu sửa, làm mới một công trình đã có dấu hiệu xuống cấp và đã hết bảo hành từ phía Pháp là nên làm. Nhưng rõ ràng là phía Ủy ban thành phố đã có quyết định về việc xem xét đệ trình xét di sản cấp quốc gia cho bưu điện, bưu điện có làm cũng phải chú ý tới vấn đề này mà bàn bạc, thống nhất, chứ giờ cái màu vàng chóe ấy làm “mất” đi cả một không gian, một góc nhìn về kiến trúc thời Pháp cổ kính.
Nếu nói trước đây, công trình đã có màu như màu sơn lại là không sai, nhưng quan trọng nó là thứ “cổ”, sơn lại, trùng tu phải là “cổ”, chứ rõ ràng Bưu điện khăng khăng là giống “ngày xưa” nhưng cam đoan là làm sao giống được. Thời gian mới là thứ quý giá, không phải là mới hay màu.
Nhắc tới vấn đề này lại nhớ đến hai câu ca dao vui:
“Trăm năm Kiều vẫn là Kiều
Đẹp trai bị ghét là điều đương nhiên”
Đúng là Bưu điện TP Hồ Chí Minh đã “đẹp trai” ra bởi màu áo mới sặc sỡ nhưng Bưu điện lại chẳng là cô Kiều “trăm năm” nữa. Đẹp của một di tích khác với cái đẹp của một công trình bình thường, đầu năm sơn, cuối năm tút tát lại. Cái đẹp của Bưu điện TP Hồ Chí Minh là cái đẹp “Kiều”, có đổi thay vẫn phải là Kiều chứ không thể là ai khác được.
Vậy là tự dưng TP Hồ Chí Minh nói riêng và quốc gia nói chung chứng kiến một công trình hơn trăm tuổi bị “làm mới”. Bưu điện mới thì dễ, chứ làm cho cổ như xưa mới là khó, khó lắm!
Thôi thì, chuyện cũng đã rồi, quyết định và thông báo từ UBND thành phố cũng chưa phải đã khẳng định Bưu điện TP Hồ Chí Minh là di tích cấp quốc gia mà chỉ là trong thời gian xét nên cũng chả làm gì được những người đã chỉ đạo sơn màu mới cho Bưu điện.
Chỉ là, vấn đề này liên quan đến thẩm mỹ, giá trị lâu đời của một công trình cổ kính, gắn bó với đời sống nhân dân, thu hút khách du lịch, còn bây giờ thu hút cái nỗi gì khi trông Bưu điện này cũng như...bưu điện khác.
Thôi thì, chuyện cũng đã rồi, chỉ xin Ban quản lý những di tích khác, công trình khác nhìn vào rồi nhớ để di tích, công trình ấy…
“Trăm năm Kiều vẫn là Kiều” mà thôi!.
Hải Dương
Thể thao Việt Nam