“FA” chính là từ viết tắt của cụm từ Tiếng Anh Forever Alone (mãi mãi cô đơn). FA cũng chính là câu nói cửa miệng của những kẻ “chưa có gấu” (tức chưa có người yêu), nhất là dịp Giáng sinh. Nhiều bạn trẻ còn lập “Hội FA”, “Phường FA”, “Nhóm FA”, để tôn vinh những kẻ cô đơn, đi theo xu thế “ế nhưng vẫn ngẩng cao đầu”. Tuy nhiên, đấy là vấn đề “vui” của giới trẻ, không có gì đáng nói nếu những năm trở lại đây, FA đã trở thành trào lưu, thành “văn hóa”.
Bao giờ mới hiểu được đúng nghĩa ngày Lễ Giáng sinh?
Mấy năm trở lại đây, do nhu cầu của những “tâm hồn cô đơn” tại những ngày Lễ như: Lễ tình nhân, Lễ Giáng sinh,…mà các dịch vụ “cho thuê người đi chơi” nở rộ. Dạo qua Internet, cụ thể là mạng xã hội Facebook, người ta thấy rất nhiều trang cho thuê người đi chơi dịp Noel cho người FA, dịch vụ mở rộng có cả trai và gái, thỏa sức chọn lựa.
Tất nhiên, dịch vụ này cũng rất đỗi bình thường thôi, có cầu ắt có cung, thế nhưng mấu trốt vấn đề nằm ở chỗ, có quá nhiều “mái đầu xanh” của đất nước hiểu sai ý nghĩa của ngày Giáng sinh, nghĩ rằng cái tôi FA của mình là cái…nhất.
Ngày Lễ Giáng sinh là ngày Lễ phổ biến của nhiều nước phương Tây, đây là dịp Lễ kỉ niệm ngày Chúa Giê-su ra đời. Ngày lễ mang nhiều tầng ý nghĩa, trong đó, với ý nghĩa Noel là dịp sum họp, để con người suy nghĩ chín chắn về sự sống, tình cảm gia đình, tình yêu cá nhân, ….là những ý nghĩa cơ bản tại ngày lễ này. Ở Việt Nam, dù ngày lễ Giáng sinh không phải là ngày lễ chính truyền thống nhưng với sự giao thoa văn hóa, Giáng sinh từ lâu đã trở thành một ngày Lễ để đông đảo người dân Việt tham gia, chào đón.
Hôm qua giật mình thon thót khi sang nhà bác chúc mừng Giáng sinh, cả nhà lạnh ngắt lạnh tanh, chỉ thấy mỗi bác gái đang lùi lũi một góc xem chương trình truyền hình . Hỏi ra mới biết bọn trẻ đã đi chơi với bạn bè, bác trai đi nhậu mừng Giáng sinh với mấy ông chí cốt, bác gái quanh năm bận rộn, hôm nay lại được ngày rảnh vì cả nhà đã đi …Giáng sinh.
Chạy xe về nhà, băng qua nhà hàng xóm thấy không khí ầm ĩ, kẻ tiếng ra người tiếng vào. Tò mò hỏi mấy ông chú đang phì phèo thuốc lào đầu ngõ mới biết, nhà có cô con gái chỉ đang tuổi học phổ thông vẫn còn FA, mà Noel này lại muốn có gấu nên lên mạng tìm người đi chơi. Dớ dẩn thế nào mà cô nữ sinh bị bố phát hiện, ông lên án gay gắt vì sợ quen qua mạng không an toàn, giờ xã hội lại loạn lạc, dễ bị lừa. Cô gái tuổi “ẩm ương” cương quyết “dứt áo ra đi”, bị ông bố đẩy vào phòng, khóa cửa, vậy là…Giáng sinh buồn.
Đã rất lâu rồi, người dân Việt Nam đón Giáng sinh, nhưng cũng đã rất lâu rồi, người ta quên mất một tầng ý nghĩa quan trọng rằng, người phương Tây kỉ niệm ngày Chúa Giê-su ra đời vào Giáng sinh cũng là dịp nhìn lại những giá trị con người, giá trị cuộc sống, gieo niềm tin và gặt niềm tin. Ấy vậy mà buồn thay, không chỉ lớp trẻ, người “nhớn” cũng cuống cuồng muốn bỏ cái tập thể đi tìm cái riêng tư, bỏ cái sum vầy đi tìm cái ảo vọng chớp nhoáng. Giáng sinh: không sum vầy – không quan tâm đến thành viên gia đình – không tranh thủ có một ngày để yêu thêm những giá trị trong dịp cuối năm bận rộn. Vậy là, Giáng sinh đã có quá nhiều những từ không, có đáng buồn thay!
Một “Cô bé bán diêm” nữa lại tái hiện với cái kết vẫn…nguyên si
Rõ ràng là không ai cấm mọi người được ra đường vào Lễ Giáng sinh, tuy nhiên, đừng ra đường rồi bỏ lại đằng sau những điều cần quan tâm nhiều hơn vào dịp Lễ Giáng sinh. Còn nếu ra đường rồi, thì xin đừng thờ ơ với những “Cô bé bán diêm”.

Giáng sinh là dịp sum họp gia đình, nhìn lại một năm sắp qua với những điều chưa và đã làm được. Giáng sinh cũng là dịp để mọi người trao nhau yêu thương và gieo niềm tin vào cuộc sống
Tối qua, vào đúng đêm Noel, dạo mạng xã hội thì nhói lòng với bức ảnh chụp cả nhà đi chơi đêm Noel có ngang qua một cậu bé ăn xin, họ làm gì, họ hồn nhiên đi qua, họ tiếp tục đêm Giáng sinh “an lành” của họ. Ôi chao! Giáng sinh nào còn an lành được khi những tâm hồn chẳng ngó nghiêng về những tâm hồn khác chẳng đủ đầy!?
Chúng ta không thể không giao thoa văn hóa, nhưng chúng ta tiếp cận có chọn lọc, sao không từ vị trí một nước phương Đông với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc mà tiếp thu, mà phát triển, chẳng ai là cô đơn vào đêm Giáng sinh khi mỗi người biết nhân cơ hội này mà trân trọng những thứ ngay trước mắt mình là: gia đình; là những số phận éo le,…
Khi xem xong bức ảnh “sốc” ấy, tôi đã không còn biết tin vào đâu khi một câu chuyện cổ tích giữa đời thực lại một lần nữa lặp lại với cái kết vẫn…nguyên si.
Kết
Xin thưa quí vị độc giả, đặc biệt là những người trẻ. Giáng sinh năm 2014 đã qua, qua với biết bao niềm vui của quà tặng, những cuộc hẹn với “người lạ” của những bạn trẻ FA mà chưa biết có bị lừa gạt hay không!?
Noel đã qua trên một đất nước phương Đông, với những nét văn hóa thuần Á để lại nhiều nỗi băn khoăn về những giá trị bị hiểu sai lệch, những thờ ơ thật ơ hờ hời hợt, của những FA chỉ biết mãi nỗi cô đơn của bản thân, của tình yêu cá nhân đơn thuần mà quên béng đi giá trị cốt lõi thâm sâu.
Thưa quí vị độc giả, FA không hề có tội, chỉ xin FA đừng bỏ quên những giá trị cần và đủ trong những ngày Lễ. Chúng ta hòa nhập mà không thể hòa tan, chúng ta cô đơn nhưng nên làm những tâm hồn khác thấy chẳng hề cô đơn trong những ngày Noel rét buốt.
Nếu mà ai cũng nghĩ như thế, chẳng ai là mãi mãi cô đơn! ./.
Hải Dương
Thể thao Việt Nam