Có lẽ đây là hai vấn đề thuộc về xã hội, về thể thao thì nhiều hơn, nhưng hai vấn đề này đứng trên góc độ của văn hóa cũng có ti tỉ điều để nói.
“Văn hóa ăn xin”
Những ngày cuối năm, người ta bàn cãi nhau nhiều. Việc T.P Hồ Chí Minh “gom” người ăn xin lại, tập trung vào những cở sở xã hội để “làm đẹp” hình tượng thành phố, để anh ninh trật tự có thể được cải thiện.
Quyết định 49/2014 của UBND TP.HCM về việc thu gom người ăn xin, cơ nhỡ vào những trung tâm hỗ trợ xã hội được nhiều người tán thành. Vì trước đó, cũng đã có những thành phố áp dụng biện pháp này và hạn chế được “hình tượng kẻ ăn xin” một cách rõ rệt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc “dọn” người ăn xin mà một số thành phố áp dụng cũng như việc dọn rác, những ngày gần Tết, việc rọn rác được đẩy mạnh. Vì bởi lẽ, ai cũng có mong muốn ngôi nhà của mình sẽ sạch đẹp để đón Tết.

Ngày 18/12, UBND TP Hồ Chí Minh đã đưa ra quyết định số 49 về việc tập trung người ăn xin, người sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định, vào các trung tâm hỗ trợ xã hội. Trước đó, là kêu gọi người dân không cho tiền người ăn xin
Rác được dọn đi, thành phố thì có bãi tập trung, chứ ở nhiều làng quê, rác ở nhà đổ ra ngoài đồng, ngoài đường, miễn là không nằm phạm vi nhà mình là được. Vì thế, ăn mày, ăn xin ở quê (dù ít) cũng vẫn đang bị tập trung ở những nơi chẳng phải là “bãi tập trung” như thành phố, có được hỗ trợ hay chế độ gì đâu. Dẫu biết rằng, người ăn xin chủ yếu tập trung ở thành phố lớn vì đời sống người dân ở đó cao, họ mới có tiền để cho nhưng kể cả ở thành phố, khi được tập trung lại tại các trung tâm hỗ trợ xã hội, được tạo công ăn việc làm nuôi chính bản thân mình thì chưa chắc những người đó đã là “số đông”. Tức là, để gom hết người ăn xin, người sinh hoạt nơi công cộng lại là việc chẳng phải một sớm một chiều khi mà cơ quan quản lý đang rất gấp rút gom lại và vận động người dân không cho tiền người ăn xin, thì trong những ngày giữa đợi gom và có chỗ sống tử tế hơn thì những người “ăn xin thật” sẽ lấy tiền đâu ra khi dân mình quay mặt làm ngơ vì “hội đấy để chính quyền lo”? . Chỉ biết rằng, điều mà người dân lo lắng là khi ăn xin đã trở thành một thứ “văn hóa nghề” thì “dẹp” có nổi không, và cũng nói thêm là để xóa bỏ cả một “tầng văn hóa” như thế là việc vắt tay lên trán của nhiều vị lãnh đạo.
Chắc chắn những chiêu trò của “cái bang rởm” sẽ được giảm thiếu bởi quyết định này, nhưng còn những hoàn cảnh ở sâu trong những ngõ, những hẻm, những gầm cầu mà cái “máy xúc” chưa dò dẫm tới, họ sẽ lại ăn xin, lại rong ruổi. Nhưng trong thời gian này, họ sẽ không được nhận lòng trắc ẩn của nhiều người vì đã có “chính quyền phụ trách”, chính quyền đã phát động họ không cho tiền người ăn xin nữa.
Đây là bài toán khó và vẫn còn rất rất khó.
“Văn hóa làm báo”
Vậy là đã có “văn hóa ăn xin”, thế còn “văn hóa lám báo”? Để định nghĩa văn hóa làm báo thì rất khó vì nó bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều người đã đặt câu hỏi về văn hóa làm báo, về cách làm báo có văn hóa. Thực tế thì đó là cách hiểu nôm na của công chúng xem báo, nghe đài, theo dõi truyền hình đang thắc mắc, cái họ cần không phải là một định nghĩa khoa học mà là hành động thực tiễn những người làm báo có thể làm để phục vụ người xem.
Điển hình cho vấn đề này là vụ cầu thủ tuyển Quốc gia Công Phượng, bắt đầu từ đầu tháng 11 mà nóng nhất, tâm điểm nhất là Đài Truyền Việt Nam, cụ thể là Chương trình Chuyển động 24h có buổi phát sóng “vạch trần sự thật tuổi Công Phượng” vào 3 ngày 15, 16, 17/11/2014. Chương trình làm rúng động cả nước, nhất là người hâm mộ thể thao.
Theo đó, Chuyển động 24h đã phát sóng chương trình phóng sự đưa ra những dẫn cứ về việc Công Phượng sinh năm 1993 (21 tuổi) chứ không phải 1995 (19 tuổi) như đã khai trước đó. Chương trình này của VTV đã quyết “theo đến cùng” trong chuỗi hành trình đi tìm sự thật về Công Phượng. Thậm chí, những bằng chứng và điều tra về tuổi của cầu thủ này được phía Chuyển động 24 đưa ra “khá chuyên nghiệp” và chắc chắn.
Tuy nhiên, ngay sau chương trình của VTV, dư luận lại dậy sóng với cách làm của Đài truyền hình Quốc gia, về cách mà hai BTV của chương trình này “nhấn mạnh” trong lúc thực hiện. Nhiều chuyên gia khẳng định về việc “mất nhiều hơn được” của VTV khi thực hiện những phóng sự điều tra, kèm với đó là cách Đài truyền hình này triển khai vấn đề.

Chuyển động 24h (VTV) phát sóng chương trình phóng sự "Hành trình đi tìm tuổi thật của Công Phượng"
Ngày 5/12/2014, Sở Tư pháp Nghệ An báo cáo xác nhận với Bộ Tư pháp về ngày tháng năm sinh của Nguyễn Công Phượng như trong giấy Khai sinh gốc là hoàn toàn đúng sự thật. Nếu như báo cáo này, thì cầu thủ xứ Nghệ sẽ có tuổi là 19 (như trong giấy khai sinh gốc). Việc này đã làm rộng đường dư luận trước những thắc mắc và hồ nghi.
Đến ngày 30/12, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phạt Đài Truyền hình Việt Nam đã có các hành vi vi phạm hành chính như: Thông tin về độ tuổi cầu thủ Nguyễn Công Phượng trong chương trình Chuyển động 24h phát sóng trên VTV1 có một số nội dung sai. Cụ thể: “Năm sinh 1995 của Công Phượng bắt đầu xuất hiện từ năm 2006” (chương trình phát ngày 8/11/2014); “Đến thời điểm này, tất cả các giấy tờ khác, như chúng tôi đã chứng minh, là vô hiệu” (phát sóng ngày 16/11/2014).
Theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định xử phạt Đài Truyền hình Việt Nam 15 triệu đồng và buộc Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện cải chính thông tin sai sự thật nêu trên.
Hôm nay, giải trình trước báo chí, Đại diện Đài Truyền hình Việt Nam nhận có những thiếu sót trong quá trình thực hiện phóng sự và phát sóng chương trình, nhưng khẳng định thông tin mình đưa là đúng sự thật.
Sự việc này khiến công chúng đặt câu hỏi về “văn hóa làm báo” của nhiều cơ quan báo chí trước những biến động của cuộc sống hiện đại.
Đây không phải là lần đầu tiên (không chỉ riêng Đài truyền hình Việt Nam) mà còn nhiều cơ quan báo chí khác có cách làm báo, có văn hóa làm báo chưa được dư luận đồng tình. Mà người làm báo, mục đích tối thượng là để công chúng công nhận, không hồ nghi, đắn đo.
Nhiều người dân sau khi hay tin Đài Truyền hình Việt Nam bị phạt (dù trước đó đã có kết quả về giấy tờ chứng minh tuổi Công Phượng từ Sở tư pháp Nghệ An báo cáo Bộ Tư pháp ở giấy khai sinh gốc là đúng sự thật) vẫn tỏ ra thỏa mãn với kết quả này hơn khi câu cửa miệng từ ngày hôm qua (30/12) nay của dư luận là: “Công lý đã được thực thi!”.
Đúng là không có sức mạnh nào như sức mạnh của dư luận và cũng chẳng có cơ quan báo chí nào không phục vụ công chúng dư luận. Câu chuyện về “văn hóa làm báo” có thể được “chuẩn hóa” hay không còn rất nhiều tranh cãi và suy nghĩ từ nhiều phía liên quan, nhưng suy cho cùng, tất cả về “văn hóa” hay “không văn hóa” là việc dư luận có quyền và đủ quyền hiểu để đánh giá. Vì chính họ là chủ thể để báo chí phục vụ và tôn trọng.
Văn hóa và cuối năm…
Vậy là một năm nữa sắp qua, dư luận đã chứng kiến nhiều “thăng-trầm” của ngành văn hóa và những điều liên quan đến văn hóa như hai vấn đề trên. Nhưng có lẽ, những vấn đề như thế chưa thể “dọn” đi vào dịp cuối năm này cho ngôi nhà văn hóa được sáng sủa, sạch sẽ mà sẽ còn lại như cái mạng nhện ở góc sâu nhất ngôi nhà mà cây chổi quét trần còn bỏ sót./.
Hải Dương
Thể thao Việt Nam