Chuyện thể thao

14:51 04/12/2014

Đam mê và tiền bạc

Một người đã cầm cây vợt và đánh trái banh nỉ hàng ngày như các tay vợt chuyên nghiệp hẳn phải có niềm say mê tột cùng với tennis. Chả thế mà họ có thể làm quen với chiếc vợt từ năm lên 3, 4 tuổi cho tới khi không thể cầm nổi “bảo kiếm” ở độ tuổi ông lão, bà lão. Nhưng giữa giấc mơ và hiện thực là một khoảng cách rất xa. Cứ nhìn những Roger Federer, Rafael Nadal, Novak Djokovic, Serena Williams, Maria Sharapova… hiện tại là những tay vợt có mức thu nhập hàng năm đến vài chục triệu USD thì hẳn những tay vợt trẻ cũng mơ một ngày nào đó được như đàn anh đàn chị, vừa trở thành ngôi sao tennis, vừa kiếm bộn tiền. Ngay chính những tên tuổi đó, ngày bé có thể họ suy nghĩ tennis là một thứ gì đó thiêng liêng và vĩ đại như kiểu ghi danh trong sử sách, nhưng khi trưởng thành, xin cá cược rằng đến 99,9% các tay vợt sẽ đặt nửa lý trí của mình bên cán cân: tiền bạc.

fererde

Lý do thật đơn giản, tennis cũng là một nghề và đã là một người đi làm thì ai chẳng muốn kiếm thật nhiều tiền để phục vụ cho cuộc sống. Hay nói tóm lại, tình yêu tennis cũng bị chi phối bởi tiền bạc chứ không đơn thuần chỉ là chuyện yêu hay không yêu. Thế giới này có bao nhiêu người làm trái ngành trái nghề cứ ngồi than vãn không được làm thứ mình thích (kể cả vẫn kiếm nhiều tiền!), vậy thì các tay vợt là những người hạnh phúc nhất. Còn gì tuyệt vời hơn với những người vừa được làm công việc mình yêu thích (chơi tennis) vừa kiếm được những khoản tiền kếch xù!

Với những tay vợt thuộc hàng “sao”, chuyện kiếm tiền cũng không mấy khó khăn. Tài năng thể hiện trên sân đấu có thể giúp họ giành những danh hiệu và tiền thưởng. Trong một mùa giải những tay vợt top đầu chơi trung bình trên dưới 20 giải hoặc ít hơn và cứ lọt càng sâu thì tiền thưởng lại càng lũy tiến, đó là điều kiện đủ để hầu bao các tay vợt cứ ngày càng phình to theo thời gian. Đó là chưa kể khi đã leo lên đội ngũ có số có má, ngoài chuyện thi đấu kiếm tiền thì tiền cũng tự “chạy” đến họ. Những bản hợp đồng quảng cáo với giá trị khổng lồ vượt xa tiền thưởng đưa các tay vợt lên hàng triệu phú. Hãy nhìn Sharapova, từ năm 17 tuổi vô địch Wimbledon sau đó cũng có những lúc thi đấu sa sút thảm hại nhưng 7 năm liên tiếp vẫn là VĐV nữ kiếm tiền siêu nhất thế giới. Gương mặt đẹp, thân hình chuẩn và tài năng đã đem lại cho Masha những lời mời quảng cáo hàng triệu USD.

Nhờ tennis, Sharapova trở thành triệu phú

Giấc mơ kim tiền

Với những tay vợt làng nhàng, sẽ có người đặt câu hỏi: Vậy họ kiếm tiền như thế nào? Liệu cứ năm này tháng khác cứ lận đận ở top “vài trăm” trên BXH hay thậm chí không có tên trong top 1000 thì có kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống khi mà tiền thưởng không có nhiều (thường bị loại từ sớm) và tất nhiên chẳng hãng nào mời họ quảng cáo! Nhưng xin đừng quá lo, họ vẫn chăm chỉ kiếm tiền đều đặn cả năm thông qua những giải đấu nhỏ mà có lẽ người xem tennis chẳng biết đấy là đâu. Hạng thấp hơn so với những giải ATP và WTA có những giải thuộc hệ thống Challengers hay Futures của Liên đoàn quần vợt thế giới ITF. Giải thưởng thì không lớn lắm, chỉ khoảng vài chục nghìn USD hoặc ít hơn nhưng thường thì một tay vợt thi đấu quanh năm suốt tháng với số lượng 30-40 giải nên chuyện tiền nong cũng không còn là nỗi lo quá lớn.

Nói như vậy không có nghĩa là biến đam mê tennis thành giấc mơ tiền bạc lại đơn giản đến thế. Một tay vợt được liệt vào hàng ngũ chuyên nghiệp phải trải qua rất nhiều chặng đường khó nhọc mà thực sự… chẳng biết tương lai như thế nào. Tennis là thứ gì đó vô hạn nhưng đường đời sự nghiệp lại hữu hạn và không ai đoán định được những chuyện gì sẽ xảy ra. Cứ như tay vợt trẻ tài năng của Việt Nam, Nguyễn Hoàng Thiên chẳng hạn. Để đeo đuổi mộng tennis chuyên nghiệp và chen chân vào những tay vợt hàng đầu thế giới thì gia đình Thiên đã phải chuẩn bị vấn đề tài chính từ trước lên tới cả triệu USD. Tập luyện ở nước ngoài, thuê thầy ngoại, đi du đấu… đều cần sự đầu tư khổng lồ. Đó là chưa kể tennis cũng không thể tránh được “kẻ thù” chấn thương và cứ mỗi lần như vậy là số tiền kia lại hao hụt ít nhiều.

Đam mê và tiền bạc cũng song hành

Các tay vợt khác cũng không phải là ngoại lệ. Họ cũng bắt đầu từ những cô bé cậu bé mới chỉ chơi bằng cây vợt cho trẻ em và gia nhập những lò đào tạo nổi tiếng trên thế giới mới một mục đích định sẵn: Trở thành tay vợt hàng đầu thế giới và sau đó mới nghĩ tới chuyện “hồi” số vốn đã bỏ ra để cống hiến cho tennis. Nhưng trong cả trăm nghìn tay vợt đang mơ trở trở thành một “người nào đó” trong làng banh nỉ có bao nhiêu người thành công? Đó là câu hỏi mà không ít các tay vợt nhí cùng phụ huynh băn khoăn trước ngã ba đường: Theo đuổi đến cùng hay chỉ chơi tennis như thú vui thời thượng?

Tennis để chơi có lẽ không mất quá nhiều thời gian, tiền bạc nhưng để chơi tennis thực thụ không phải là chuyện dễ dàng. Đôi khi người ta phải đặt cược cả số phận để đi theo giấc mộng trở thành tay vợt lớn và đem về những giá trị tiền bạc. Đó như là một canh bạc mà không phải ai cũng là người chiến thắng.

 

24h

Để lại một bình luận

Thông tin phản hồi (0)

Bài mới cùng mục

Thông tin Thể thao Việt Nam
- Trụ sở: P601, CT4 chung cư Booyoungvina, Mỗ Lao, Hà Đông

ttvn

Top