Chuyện thể thao

09:10 03/01/2016

Vị ‘Giáo sư’ đáng kính, vị thủ lĩnh tài ba, người thầy tận tụy của đội quân Pháo thủ Arsenal - Arsene Wenger, xứng đáng được dựng phim về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Truyền thông làng túc cầu đang xôn xao câu chuyện những cái tên khét tiếng nào xứng đáng được làm phim về cuộc đời và sự nghiệp. Và một trong số những cái tên được xướng lên đó chính là vị ‘Giáo sư’ đáng kính, vị thủ lĩnh tài ba, người thầy tận tụy của đội quân Pháo thủ Arsenal - Arsene Wenger.

Được xem là vị huấn luyện viên tại vị lâu đời nhất lịch sử CLB bóng đá Arsenal, HLV Arsene Wenger được người hâm mộ và giới truyền thông đặt biệt danh là ‘Giáo sư’.

Từ một người vô danh

Arsene Wenger (tên tiếng Pháp là Arsène Wenger) sinh ngày 22/10/1949 tại Strassbourg. Cha ông, một huấn luyện viên câu lạc bộ địa phương, là người đã truyền lửa bóng đá cho cậu con trai ngay từ khi mới 6 tuổi.

Năm 1981, Wenger nhận bằng tốt nghiệp đào tạo huấn luyện viên tại một trường của Anh. Năm 1987, sau khoảng thời gian không thành công tại Nancy, Wenger đã làm huấn luyện viên cho AS Monaco, câu lạc bộ giành chức vô địch Pháp vào năm 1988.

Wenger luôn dành sự tin tưởng tuyệt đối cho các học trò và ngược lại, với các học trò ông cũng luôn là người thầy tận tâm

Sau một vài đội bóng không mấy thành công khác, đến tháng 7/1996, có nhiều nguồn tin cho rằng tân HLV tuyển Anh khi đó, Glenn Hoddle, muốn Wenger trở thành giám đốc kỹ thuật FA. HLV người Pháp lúc đó còn dẫn dắt CLB Nagoya Grampus Eight (Nhật Bản) và ít được biết tới ở nước Anh. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Arsenal hồi đó là David Dein đã thuyết phục thành công Wenger đến sân Highbury thế chỗ Bruce Rioch từ tháng 9/1996.

Vượt qua ưng cử viên sáng giá khi đó là Johan Cruyff , Arsene Wenger đã khiến dư luận Anh không khỏi bất ngờ và trở thành tân HLV Arsenal. Ngày ông ra mắt “Pháo thủ”, có tờ báo địa phương còn đăng bài với tiêu đề tỏ ý nghi ngờ: “Arsene Wenger, ông là ai?”.

Thế nhưng, những tháng ngày sau đó, đội quân Pháo thủ thay đổi da thịt từng ngày dưới sự dẫn dắt của ‘người mới’. Trong gần 20 năm gắn bó với Arsenal, chiến lược gia người Pháp đã khẳng định được tên tuổi lớn, khi giúp CLB thành London giành được 3 chức vô địch Ngoại hạng Anh, vào giai đoạn mà Man United được coi là thế lực thống trị bóng đá Anh. Ông còn giúp Arsenal đoạt 6 Cup FA, và giành vị trí Á quân Champions League mùa 2005-06.

Từ một người vô danh, ít được ai biết đến, thậm chí từng bị chê bai không phù hợp với bóng đá, một cái tên lạ lẫm, Wenger chứng minh được bản lĩnh cầm quân của mình và vươn lên trở thành những biểu tượng của thế giới nói chung và làng túc cầu nói riêng.

Người thầy luôn tận tụy vì học trò

Có một điều khiến không chỉ người hâm mộ mà cả các cầu thủ của Pháo thủ cũng như chính Wenger cảm thấy đáng tiếc đó là, kể từ lần cuối đăng quang Premier League ở mùa giải 2003/04, đội bóng luôn đứng trước vạch vinh quang mà chưa thể bước qua. Arsene Wenger vẫn lỗi hẹn với các danh hiệu lớn, và những chức vô địch Community Shield hay FA Cup chưa thể làm người hâm mộ The Gunners hài lòng.

Thế nhưng, dù trên đấu trường sân cỏ, Arsenal không có nhiều cơ hội nâng chiếc cúp vàng trên tay, đối với những Gooners chân chính (người hâm mộ của Arsenal), người thầy Arsene Wenger luôn là vị ‘Giáo sư’ đáng kính, hết lòng vì học trò của mình.

Đã 11 năm trôi qua, Arsenal lần lượt nhìn 2 đội bóng thành Manchester và Chelsea thay nhau xưng vương tại Premier League, chính vì lẽ đó, nhiều lần tương lai của HLV Wenger ở đội bóng Bắc London là chủ đề được báo giới đề cập, nhưng Giáo sư vẫn tại vị trước sự tin tưởng tuyệt đối của ban lãnh đạo đội bóng.

Vị 'Giáo sư' đáng kính trong lòng người hâm mộ

Sau mỗi thất bại, Wenger lại đón nhận nhiều lời chỉ trích, ở một đất nước mà bóng đá gắn chặt chẽ với truyền thông như xứ sương mù quả thật những lời khích bác, mỉa mai chẳng đáng để quan tâm. Đối với những Gooners chân chính,  người thầy Arsene Wenger luôn là vị Giáo sư đáng kính, hết lòng vì học trò của Pháo thủ.

Đối với Wenger, ông cũng sẽ chẳng đầu hàng mà phản bội lại niềm tin của mình. Lẽ ra mùa hè 2010, Wenger có thể đến Bernabeu phù hoa làm thầy của những Galaticos Ronaldo, Benzema, Kaka… theo lời mật ngọt đầy hấp dẫn với bất kì HLV nào của ngài chủ tịch Florentino Perez. Nhưng Wenger đã lịch thiệp từ chối bởi vì “Nếu ra đi, điều đó sẽ khiến tôi cảm thấy mình phản bội lại niềm tin của chính bản thân”.

Với ông bóng đá không chỉ là chiến thắng và danh hiệu mà còn phải thể hiện sự quyến rũ cùng tính cống hiến hết mình của mình, đó mới là bóng đá đẹp. Với ông, cầu thủ không chỉ biết đá bóng mà còn phải là một con người hướng thiện, một nhân cách tốt.

Và như thế, suy cho cùng, giá trị của tình yêu bóng đá thực sự không chỉ nằm ở sự mãn nguyện của chiến thắng, của những lần nâng cúp. Tình yêu bóng đá phải gắn liền với trải nghiệm hệt như cuộc sống, vốn có những lúc vinh quang, đắng cay, thăng trầm, thất bại. Có đau vì thất bại mới thấy giá trị hạnh phúc khi chiến thắng và biết tự hào khi đội bóng ấy biết hướng đến tìm lấy chiến thắng theo cách của riêng mình.

Và những triết lý bóng đá kinh điển tổ nền bóng đá Anh của ‘Giáo sư’ Arsene Wenger

Sở dĩ, Arsene Wenger được giới truyền thông và người hâm mộ môn túc cầu Anh đặt cho biệt danh đáng kính trọng này là vì vị huấn luyện viên tài ba này sở hữu những triết lý có thể nói đã làm nên cuộc cải tổ cho nền bóng đá Anh.

Cách tiếp cận của ông vào trận đấu nhấn mạnh tâm lý tấn công, với mục đích là bóng đá có tính giải trí trên sân. Wenger có những triết lý có thể nói là đã làm cuộc cải tổ nền bóng đá Anh.

- Thứ nhất là lối sống đã tác động đến sự nghiệp. Các cầu thủ hoàn toàn có thể thay đổi sự nghiệp của họ một cách hiệu quả nếu thay đổi chế độ ăn uống, và chừng mực nào đó là lối sống của họ.

Bằng cách điều chỉnh dinh dưỡng, ông đã tạo ra một đội hình Arsenal hiệu quả nhất trong lịch sử, giúp Arsenal bất bại lịch sử năm 2003.

- Thứ hai là việc mua và tìm kiếm các cầu thủ nước ngoài. Quan niệm truyền thống của bóng đá Anh cho rằng các cầu thủ nước ngoài không thể mang lại lợi ích to lớn đã được Wenger thay đổi.

Trước đó, người ta cho rằng các cầu thủ ngoại quốc không phù hợp, và không thể chơi bóng theo phong cách của người Anh. Patrick Vieira, Dennis Bergkamp, Thierry Henry đã giúp phần còn lại của bóng đá Anh nhận ra: Thứ bóng đá mà họ chơi khác châu Âu, nhưng không có nghĩa là cầu thủ châu Âu không thể chơi bóng ở đây.

- Thứ ba là tìm kiếm và đào tạo tài năng. Bởi vì các đội bóng Anh không theo dõi các cầu thủ nước ngoài, họ thường không tìm ra những tài năng nước ngoài phù hợp với bóng đá Anh, trong khi giá trị của các cầu thủ Anh thường bị "đội" lên vì truyền thông ưa thổi phồng. Nhưng hệ thống phát hiện tài năng của Wenger đã cho thấy rằng tài năng có thể tìm được ở bất kỳ đâu.

- Thứ tư, về việc đào tạo cầu thủ trẻ. Xây dựng một hệ thống đào tạo nhất quán có thể giúp ông Wenger tạo ra một đội ngũ với triết lý thống nhất và có tính kế thừa. Đây là một mô hình tương tự La Masia, nhưng tính tập trung thấp hơn.

Các cầu thủ từ 9-11 tuổi sẽ được tập hợp từ khắp nơi trên thế giới, tập luyện ở đội trẻ, được gạn lọc cho đến năm 16 tuổi, khi quy định về giấy phép lao động ở Anh có hiệu lực. Những người đáp ứng đủ điều kiện sẽ ở lại, chơi cho đội B và sau này là đội một của Arsenal.

- Thứ 5, về cân bằng tài chính. Nguyên tắc của Wenger là không chi tiêu vượt quá những gì kiếm được. Chelsea và Manchester City là hai mô hình hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc này, nhưng vào thời điểm mà Luật công bằng tài chính của UEFA sắp đi vào thực tiễn, thì hai đội nhà giàu kia (đặc biệt là Man City) đang dần siết chặt chi tiêu và chú trọng hơn đến khâu điều hành. Một minh chứng cho thấy tư tưởng đi trước thời đại của ông Wenger.

Có thể nói, không riêng gì người hâm mộ, với các học trò, ‘Giáo sư’ Arsene Wenger là người thầy, người cha đáng kính. Họ không chỉ học hỏi ở ‘Giáo sư’ những bài học về chuyên môn mà còn học hỏi về những triết lý trong cuộc sống và bóng đá… Rõ ràng, Arsene Wenger xứng đáng được dựng phim cho chính mình!

Trâu Vũ

Để lại một bình luận

Thông tin phản hồi (1)

Arsene Wenger ,một ong thầy trên mọi ông thầy.Một HLV trên cả các HLV.

Gửi bởi: Minh Trần | Vào lúc: 04/01/2016

Thông tin Thể thao Việt Nam
- Trụ sở Báo Thế thao Việt Nam

ttvn

Giấy phép báo điện tử Thể thao Việt Nam số 359/GP - BTTTT
Top