Theo nhận định của một số chuyên gia, điền kinh nước nhà đang sở hữu 4 vận động viên (VĐV) đẳng cấp hàng đầu khu vực. Ngoại trừ Nguyễn Thị Huyền sinh ra và lớn lên tại Nam Định thì 3 tài năng trẻ còn lại: Quách Công Lịch, Quách Thị Lan và Lê Trọng Hinh “chính hiệu xứ Thanh”, thậm chí cả 3 đều dân tộc Mường, quê Ngọc Lặc.
Tại giải Điền kinh toàn quốc 2015 vừa kết thúc cách đây chưa lâu, trong bối cảnh không có sự phục vụ của hai anh em nhà họ Quách (anh em Quách Công Lịch, Quách Thị Lan bận tập huấn tại Mỹ), ai cũng nghĩ điền kinh Thanh Hóa sẽ đánh mất vị thế của mình thì Lê Trọng Hinh đã góp công lớn đưa điền kinh tỉnh nhà nằm trong nhóm 3 địa phương đứng đầu cả nước với thành tích 6 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng.
Cũng như Quách Công Lịch, Quách Thị Lan, gương mặt Lê Trọng Hinh không quá xa lạ với những ai yêu mến đường chạy khi anh từng giành tới 3 tấm Huy chương Vàng tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ 7 (năm 2014) cùng vị trí cao nhất trên đường đua 200m tại SEA Games 28. Còn tại giải điền kinh toàn quốc 2015 (được tổ chức tại sân vận động Thống Nhất - TP Hồ Chí Minh từ ngày 9 đến 13-10-2015 vừa rồi (với sự tham gia của 390 VĐV đến từ 44 tỉnh, thành, ngành trong cả nước, tranh tài ở 50 nội dung cá nhân, đồng đội của nam và nữ), VĐV họ Lê giành được hai Huy chương Vàng cá nhân ở nội dung 100m và 200m. Ngoài ra, Hinh còn phá kỷ lục quốc gia, đồng thời giành ngôi quán quân nội dung tiếp sức 4x200m nam.
Tuy nhiên, điều khiến người hâm mộ điền kinh tò mò và cảm thấy thú vị là trước thời điểm “bộ ba” này hiện diện trên các đường chạy tốc độ, Ngọc Lặc gần như là “vùng trắng” về thể thao thành tích cao.
Để Ngọc Lặc trở thành “điểm sáng” về điền kinh như hiện tại, phải kể đến tầm nhìn của lãnh đạo ngành thể thao Thanh Hóa. Sau nhiều lần đạt thành tích ở các giải phong trào, thể thao Ngọc Lặc đã được các huấn luyện viên (HLV) thật sự quan tâm. Cùng với việc liên tục tìm kiếm những “viên ngọc thô”, chú trọng tới thể thao học đường, những người có trách nhiệm với thể thao tỉnh nhà còn cắt cử một số HLV, nhà tuyển trạch thường xuyên “theo sát” chuyển động tại các giải thể thao phong trào ở nơi được coi là trung tâm của miền Tây xứ Thanh để không bỏ sót tài năng. Và như đã nói, với sự giới thiệu gần như cùng lúc ba cái tên: Quách Thị Lan, Quách Công Lịch và Lê Trọng Hinh, Ngọc Lặc đã được biết đến như một “vườn ươm điền kinh” số một cả nước.
Nhưng dường như đấy chưa phải câu trả lời thỏa đáng cho sự “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” của một vùng đất vốn không phải trung tâm điền kinh. Cách đây vài tháng, Viện Khoa học Thể dục Thể thao đã cử các chuyên gia đầu ngành về tận Ngọc Lặc, nghiên cứu trên thực địa để tìm câu trả lời cho hiện tượng những cô bé, cậu bé vốn dĩ chỉ quen với công việc “em chăm ruộng nước đầy lúa trổ thêm bông” bỗng vươn vai trở thành “những gã khổng lồ” trên đường chạy nước nhà.
Kỳ 2: Giải mã những bí ẩn của một vùng đất.
(thanh hóa)