Bóng đá Việt thời gian gần đây đã có những thành tích đáng kể, đó là đội tuyển quốc gia thắng Đài Loan và hòa Iraq tại vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á, đội tuyển U19 đoạt huy chương bạc tại giải U19 Đông Nam Á và đoạt tấm vé vào vòng chung kết U19 châu Á với kết quả toàn thắng đứng đầu bảng. Đó rõ ràng là những kết quả không hề tệ, nhưng đáng tiếc, những gì nó mang lại không phải là sự vui mừng, động viên, khích lệ… mà nó chỉ làm bật ra những nghịch lí đến khó tin.
Dù đã chơi hay trong trận gặp Iraq, nhưng Công Vinh vẫn bị chỉ trích.
Nghịch lí thứ nhất, đội tuyển thắng, người hâm mộ lại đòi thay huấn luyện viên. Đó là trường hợp của huấn luyện viên Toshiya Miura với trận thắng đội tuyển Đài Loan, trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á. Mà toàn bộ được quy kết bởi 2 nguyên nhân chính, đó là lối chơi được cho rằng không phù hợp và chỉ có thể thắng cách biệt 1 bàn trước một đội bóng yếu như Đài Loan. Nhưng phải chăng Đài Loan là một đội bóng yếu tới mức “muốn thắng bao nhiêu thì thắng”? Thật ra, đó là quan niệm sai lầm của những người thiếu thông tin. Sau hàng loạt biện pháp thúc đẩy phát triển nền bóng đá, ví dụ như chiêu mộ cầu thủ nhập tích, đầu tư vào bóng đá một cách bài bản hơn, bóng đá Đài Loan đã có những sự tiến bộ đáng kể, không còn là một Đài Loan yếu ớt dễ bị bắt nạt ngày xưa nữa. Xem các cầu thủ Đài Loan đá ta có thể thấy rõ trình độ chuyên môn không tệ, chúng ta đâu dễ thắng được họ với tỉ số cao. Còn vấn đề lối chơi của đội tuyển, thực ra đối với một số người xem bóng đá hiện nay, họ đã quá nặng vào cái mục tiêu “xem”, mà quên đi các yếu tố chuyên môn khác. Cứ nhìn câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai, một đại diện tiêu biểu cho lối bóng đá hoa mỹ bắt mắt đã phải cố gắng như thế nào để tránh khỏi xuống hạng tại V-League là sẽ biết, giữa hoa mỹ và thực tế nó khác nhau đến thế nào. Giữa thắng nhưng thực dụng và đẹp mắt nhưng thất bại, có lẽ vế sau mới là con đường dẫn tới huấn luyện viên mất việc.
Nghịch lí thứ hai, đội tuyển U19 của chúng ta đoạt huy chương bạc tại giải U19 Đông Nam Á, sau đó hoàn thành nhiệm vụ giành chiếc vé tham dự vòng chung kết U19 châu Á ở bảng G với kết quả toàn thắng, đứng đầu bảng. Không cần khen ngợi gì nhiều, ít nhất so với lứa U19 năm trước thì họ đã không chút thua kém, dù cho lứa U19 năm nay gặp khá nhiều thiệt thòi về điều kiện sân bãi tập luyện, cũng như thời gian tập luyện chung với nhau do được tập hợp từ nhiều lò đào tạo. Ấy thế mà, khi họ trở về từ Lào, không một người hâm mộ bóng đá ra đón. Khi họ lần lượt đánh bại Hong Kong, Timor Leste, Brunei, những gì họ nhận được chỉ là những lời dè bỉu kiểu như đá với mấy độ yếu vậy thắng có gì vinh quang. Thậm chí khi vượt qua Myanmar để giành ngôi đầu bảng một cách thuyết thục, đối mặt vẫn là những lời phủ nhân công sức kiểu như Myanmar năm nay… yếu hơn năm trước nhiều, thắng có gì lạ. Một nghịch lí đến khó hiểu như vậy, thế mà lại đang ngang nhiên tồn tại trong bóng đá Việt Nam, đang ngang nhiên phủ nhận công sức của một thế hệ tuổi trẻ.
Nghịch lí thứ ba, đội tuyển Việt Nam vừa suýt nữa tạo nên “động đất” trước đội tuyển Iraq tại vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á, khi mà đội tuyển Iraq phải đến phút 90+6 mới có thể gỡ hòa một cách may mắn. Đội tuyển Iraq có mạnh không? Đó là đội bóng hàng đầu châu Á, đã từng vô địch châu Á, từng tham gia World Cup với phân nửa đội hình là những cầu thủ thi đấu ở tại châu Âu, châu Mỹ. Xét về trình độ, đẳng cấp lẫn thể hình, đội tuyển Việt Nam rất rõ ràng không phải là đối thủ. Nhưng trong một buổi tối rực lửa ở tại sân Mỹ Đình, Công Vinh cùng đồng đội chỉ thiếu một chút may mắn để có thể quật ngã gã khổng lồ Tây Á này. Mà trong đó, Công Vinh chính là một trong những cầu thủ chơi hay nhất trận đấu với sự năng nổ và kinh nghiệm thi đấu của mình. Và chính anh đã ghi được một bàn thắng đẹp mắt, điều mà trước trận đấu vẫn được xem là “nhiệm vụ bất khả thi”. Với những gì mà Công Vinh đã cống hiến, anh đáng được được tôn vinh và trân trọng. Nhưng nghịch lí là, có rất nhiều người lại chỉ nhìn vào một pha chuyền hỏng của Công Vinh ở cuối trận, mà xổ toẹt tất cả những cố gắng của anh, cứ như là chỉ mong đợi như vậy. Cho dù pha bóng dẫn tới bàn gỡ hòa của đội tuyển Iraq là sai lầm của hàng loạt cầu thủ, khi mà thể lực đã không còn bảo đảm, nhưng người ta vẫn cứ… thích đổ tất cả lên đầu Công Vinh, bởi họ cần một lí do để không chấp nhận một sự thật, đội tuyển Việt Nam đã có một trận đấu hay.
Phải nói rằng, không biết từ bao giờ, cái định nghĩa những đường bóng hoa mỹ mới là… phù hợp nhất cho bóng đá Việt Nam; những cầu thủ rê dắt bóng như làm xiếc mới là… nhân tuyển lí tưởng nhất cho đội tuyển Việt Nam đã ngày càng ăn sâu vào trong rất nhiều người hâm mộ bóng đá. Và để rồi, họ đã quên mất một điều, đội tuyển quốc gia không phải là nơi cho những cầu thủ đá bóng để làm hài lòng người hâm mộ, không phải là nơi để đặt tình cảm cao hơn lí trí. Mà đó là nơi thể diện của quốc gia, đó là danh dự của quốc gia được đặt lên hàng đầu. Ở đó, những tình cảm cá nhân phải được đặt sang một bên, tất cả chỉ vì một mục tiêu duy nhất, đó chính là chiến thắng. Còn không, những nghịch lí trên nếu vẫn tiếp tục tồn tại, bóng đá Việt ngoi lên khỏi cái ao làng Đông Nam Á còn khó, chứ đừng nói gì tới sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Duy Duy (KHO)