Bóng đá quốc tế

16:04 17/02/2018
Từ nơi khởi điểm là Dili (Timor Leste) vào ngày 12-3-2015, cho đến cuối cùng là cung điện Kremlin ở Moscow (Nga) ngày 1-12-2017, vòng loại World Cup khép lại bằng lễ bốc thăm chia bảng sự kiện bóng đá được chờ đón nhất trong năm 2018. Một VCK thiếu “bảng tử thần”, nhưng nếu như bất kỳ sự lơ đãng nào được thể hiện, các ông lớn hãy nhớ về Italia, Hà Lan, Chile, Bờ Biển Ngà hay Mỹ...

Để tổng kết vòng loại World Cup trong 2 năm qua, có thể nói một câu ngắn gọn rằng, điều thú vị nhất là “tử thần thỉnh thoảng mới hạ lưỡi hái của mình xuống”.

 Theo cách đó, vòng loại trở nên hấp dẫn hơn. Theo cách đó, những tên tuổi nói trên đã không thể hiện diện ở giải đấu lớn nhất hành tinh vào mùa Hè năm nay.

Tất nhiên, sự tiếc nuối là rất nhiều, bởi giá trị truyền thống cũng như sức mạnh từ những cái tên hàng đầu. Nhưng xét trong bối cảnh hiện tại, cũng có thể nói rằng, họ không xứng đáng dự VCK khi sự bất ổn xuất hiện nhiều hơn và sự dịch chuyển thế hệ không đi theo đúng hướng.

Giờ thì gạt câu chuyện của “những kẻ ở nhà” lại và hướng đến mùa Hè nước Nga. Ở đó, lễ bốc thăm chia bảng đã là sự tiếp nối hoàn hảo của nhận định về việc “tử thần còn mải rong chơi”.
 Không có bảng đấu nào thực sự được cho là “bảng tử thần”. Chỉ có những “bảng đấu khó”, như Bồ Đào Nha chung bảng Tây Ban Nha, hay Argentina phải đối đầu những chú ngựa ô tiềm ẩn như Iceland, Croatia, Nigeria, hoặc Đức, Mexico, Thụy Điển tạo ra sự cạnh tranh tay ba.

Nhưng “không lộ mặt” không có nghĩa là vòng bảng sẽ trôi qua êm đềm như mong đợi của các ông lớn. Thay vào đó, nếu không cẩn thận, việc tiến sâu vào giải sẽ rất nhiều trở ngại.

Việc vòng bảng không có quá nhiều sự kịch tính – theo lý thuyết, thì hẳn nhiên, cả thế giới chờ đợi sức nóng xuất hiện từ vòng knock-out, với sự hiện diện của các tên tuổi lớn.

Như đã nói trên, kết quả ở vòng bảng sẽ tạo ra sự phân nhánh kể từ vòng 1/8 và rất có thể, các cuộc đụng độ lớn xuất hiện ngay từ thời điểm này. Khi đó, “tử thần” mới chính thức hiện diện!

 Nhưng trước khi đến với vòng đấu đó, cũng cần thấy rằng, vòng bảng có thể không đơn giản như nhiều người nghĩ.

Thực tế, việc đánh giá khó hay dễ chỉ mang tính khách quan. Với đội bóng này là khó nhưng với đội bóng khác lại là dễ. Chẳng hạn, ở bảng G, Anh và Bỉ khá dễ thở khi chỉ phải chạm trán Tunisia và Panama. Nhưng ngược lại, với Tunisia và Panama lại là quá thách thức.

 Do đó, để đánh giá khách quan về độ khó-dễ, hệ thống xếp hạng bóng đá thế giới - Elo Rating, căn cứ vào tổng điểm của 4 đội trong 1 bảng đấu. Bảng đấu có tổng điểm cao nhất được xem là bảng đấu khó nhất.

Hệ thống xếp hạng của Elo Rating được đánh giá khá chính xác và khoa học, khác với phương pháp tính của BXH FIFA thế giới.

Theo đó, bảng B là bảng đấu khó nhất với tổng điểm 7466. Bảng đấu này có sự góp mặt của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Iran và Morocco. Tiếp đến là bảng F với sự góp mặt của Đức, Mexico, Thụy Điển và Hàn Quốc. Bảng E cũng được đánh giá khá cao về độ khó, bởi ngoài Brazil vượt trội, 3 đối thủ còn lại (Thụy Sĩ, Costa Rica và Serbia) có trình độ tương đương.

Ngược lại, bảng A lại là bảng đấu dễ nhất với sự góp mặt của Uruguay, Ai Cập, Saudi Arabia và chủ nhà Nga.

 Cũng theo đánh giá của Elo Rating, Brazil và Đức là 2 đội bóng có cơ hội vượt qua vòng bảng cao nhất. Ngược lại, Morocco là đội có cơ hội thấp nhất.

Sau khi lễ bốc thăm chia bảng World Cup 2018 kết thúc, Opta cũng đã đưa ra phân tích về cơ hội giành chức vô địch của các đội bóng. Theo đó, Brazil và Đức hiện đứng đầu với tỷ lệ lần lượt là 14,2% và 11,4%. Xếp các vị trí tiếp theo lần lượt là Argentina (10,9%), Pháp (10,5%) và Tây Ban Nha (9,3%).

 PHI PHONG

Để lại một bình luận

Thông tin phản hồi (0)

Bài mới cùng mục

Thông tin Thể thao Việt Nam
- Trụ sở: P601, CT4 chung cư Booyoungvina, Mỗ Lao, Hà Đông

ttvn

Top